Gia đình Phật tử Việt Nam là một tổ chức giáo dục thanh thiếu niên Phật Giáo tại Việt Nam được thành lập từ những năm 1940, mang danh xưng chính thức là GIA ĐÌNH PHẬT TỬ vào năm 1951 trên cơ sở các tổ chức giáo dục thanh thiếu niên theo tinh thần Phật Giáo do Cụ Tâm Minh – Lê Đình Thám sáng lập. Gia Đình Phật Tử Việt Nam có hơn 150.000 Huynh Trưởng và Đoàn Sinh tham gia sinh hoạt thường xuyên.
A. CHÂM NGÔN BI, TRÍ, DŨNG
BI - Là cho vui, cứu khổ, diệt trừ mọi nỗi thống khổ cho chúng sanh. Ðạo Phật là đạo Từ bi, Ðức Phật là hiện thân của Từ bi, nên Phật tử phải là người thực hành hạnh Từ bi, đem vui cứu khổ cho mọi loài Người Phật tử cố gắng không làm đau khổ một ai, dầu là đối với súc vật. Người Phật tử không thản nhiên trước sự đau khổ của muôn loài. Phật tử phải ra tay cứu giúp. Phật tử đến đâu cần phải cố gắng diệt trừ đau khổ, đem hạnh phúc an vui gieo rãi cùng khắp.
TRÍ - Là hiểu biết sáng suốt cùng khắp, nhận chân được sự thật. Ðạo Phật là đạo Giác ngộ, Ðức Phật là hiện thân của Giác Ngộ, nên Phật tử phải là người thực hành Trí huệ, luôn luôn tìm hiểu, hướng tiến đến sự thật. Người Phật tử không cam tâm chịu dốt chịu mê mờ. Phật tử phải tìm hiểu học hỏi, luôn luôn tìm chơn lý, Phật tử khai sáng cho mình và còn có bổn phận khai sáng cho người, tự mình tìm hiểu để bày vẽ cho mọi người tìm hiểu. Phật tử học Phật Pháp tức là học pháp như Thật để tìm hiểu sự Thật, tức là học những phương pháp sống như Thật để hướng tiến đúng mục đích như Thật.
DŨNG - Là dũng mãnh tinh tấn, không yếu đuối, hèn nhát, luôn luôn quả cảm, không giải đãi, gián đoạn. Ðạo Phật là đạo Hùng lực. Ðức Phật là đấng Ðại hùng Ðại lực, nên Phật tử phải là người anh dũng quả cảm luôn luôn tiến đến Giác ngộ, giải thoát của đạo Phật, luôn luôn đem vui cứu khổ cho muôn loài, luôn luôn tìm hiểu, học hỏi khai sáng trí huệ cho mình, cho mọi người. Người Phật tử cố gắng vượt qua mọi sự thử thách gian lao, mỉm cười trước nguy hiểm, tự tại trước thất bại, vững chí cương quyết, dũng tiến trên con đường đạo.
B. NĂM ÐIỀU LUẬT CỦA GIA ÐÌNH PHẬT TỬ
1- Phật tử quy y Phật, Pháp, Tăng và giữ giới đã phát nguyện.
2- Phật tử mở rộng lòng thương tôn trọng sự sống.
3- Phật tử trau dồi trí huệ, tôn trọng sự thật.
4- Phật tử trong sạch từ thể chất đến tinh thần, từ lời nói đến việc làm.
5- Phật tử sống hỷ xả để dũng tiến trên đường Ðạo.
GIẢI THÍCH:
1- Phật tử quy y Phật, Pháp, Tăng là tôn Phật, Pháp, Tăng làm thầy; trọn đời quy ngưỡng, y chỉ Phật, Pháp, Tăng; lời nói, ý nghĩ, việc làm điều hướng về Phật, Pháp, Tăng; không theo Thượng Ðế, tà sư; không theo ngoại đạo, tà giáo; không theo bè đảng độc ác. Giữ giới đã phát nguyện: Giới là những giới luật của đức Phật chế như 5 giới của người tại gia. Trong năm giới ấy, tùy nguyện tùy sức đã thọ lãnh giới nào, thời triệt để giữ giới ấy, không lúc nào trái phạm. Nếu trái phạm thời phải làm lễ sám hối rồi cầu xin giữ lại.
2 - Phật tử mở rộng lòng thương, tôn trọng sự sống - Phật tử thực hành hạnh Từ Bi, mở rộng lòng thương cùng khắp mọi người, mọi loài là tôn trọng sự sống của tất cả sinh vật. Phật tử không thương riêng thân mình, riêng gia đình của mình, mà phải mở rộng lòng thương cùng khắp mọi người, mọi gia-đình. Phật tử không thương riêng loài người mà còn thương yêu các loài sinh vật nữa. Phật tử tôn trọng sự sống nghĩa là không giết hại mạng sống của bất cứ sinh vật nào, mà còn phải bảo tồn, tôn trọng tất cả sự sống, dầu là sự sống của những sinh vật nhỏ nhiệm. Phật tử giữ giới không sát hại và ăn chay cũng là giữ điều luật nầy.
3 - Phật tử trau dồi trí huệ tôn trọng sự Thật: Phật tử thực hành hạnh trí huệ bằng cách phát chiếu trí huệ và tôn trọng sự Thật. Phật tử dùng trí huệ để tìm hiểu học hỏi, dùng lý trí để xét đoán, không mê tín dị đoan. Ðối với các học thuyết, Phật tử lấy trí phán đoán vô tư để tìm hiểu, nếu phải thì công nhận, nếu trái thì không tin theo. Ðối với Phật Pháp, Phật tử hết sức tìm hiểu chơn nghĩa của Phật, dùng lý trí phân tích, thiệt nghiệm tìm hiểu để thực hành, để sống như lời Phật dạy, vì Phật tử nhận rõ rằng chỉ có sự thiệt hành mới phát sinh trí tuệ con người. Phật tử tôn trọng sự Thật nghĩa là biết phụng sự lẽ phải và sự thật. Phật tử sẽ không nói láo vì nói láo là nói lời trái với sự Thật. Phật tử không xuyên tạc sự thật để mưu cầu danh lợi hay để bênh vực lòng tự ái của mình.
4 - Phật tử trong sạch từ thể chất đến tinh thần, từ lời nói đến việc làm - Phật tử thực hành hạnh Thanh tịnh, hạnh hoa sen trong trắng; giữ gìn thân thể, lời nói, ý nghĩ, việc làm cho tinh sạch trong sáng. Phật tử giữ y phục, thân thể, sách vở, nhà cửa, sạch sẽ. Phật tử chỉ nói lời chân trực, hòa giải, như thật, nhu hòa. Phật tử không nghĩ, không làm các điều ác; chỉ nghĩ, chỉ làm những điều thiện có lợi mình và lợi người.
5 - Phật tử sống hỷ xả để dũng tiến trên đường Ðạo - Phật tử thực hành hạnh Hỷ xã và Tinh tấn. Phật tử sống hỷ xả là luôn luôn hoan hỷ vui vẻ, dầu gặp những nghịch cảnh, trở lực. Phật tử vui vẻ hy sinh để giúp đỡ cứu khổ cho mọi người mọi loài, không để tâm ganh ghét thù hằn một ai. Phật tử tinh tấn trên đường đạo không dừng nghỉ, không thối thoát. Phàm làm việc gì thì làm đến kỳ cùng, cho đến khi thành tựu mới thôi. Dầu gặp thất bại, Phật tử không có quyền thối thoát, đình chỉ, rút lui. Dầu gặp nghịch cảnh trở lực, Phật tử phải luôn luôn gắng sức. Khi nào mục đích chưa thành tựu mỹ mãn người Phật tử vẫn phải hoan hỷ, xả bỏ tất cả, để dũng tiến trên đường Ðạo sáng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét