Bậc đại trượng phu không mệt mỏi vì nghèo hay quá tầm cầu cái giàu vì đối với người này, giàu nghèo không làm nên trượng phu vì họ đã vượt thắng được ham muốn giàu sang và sợ hãi nghèo nàn rồi.
Giàu nghèo là những ý niệm của thế gian và cái gì là ý niệm đều có thể đem lại phiền não nếu cứ chạy theo chúng và bị chúng sai sử. Đức Phật bỏ cả tài sản và danh vọng tột bực để tìm kiếm cái gì? Chắc chắn không phải là giàu sang hay danh vọng. Bây giờ người ta liệt kê danh sách người giàu nhất thị trường chứng khoán hay người giàu nhất thế giới. Trong trường học người ta dạy cách làm giàu và biết bao nhiêu sách vở dạy leo lên nấc thang cao nhất. Và thế giới này còn lại gì, mười phương loạn lạc cả mười phương. Người có vài chục ngàn hay vài triệu là đã thấy đủ giàu, còn người có bạc tỷ nhưng vẫn chưa thấy giàu. Giàu nghèo đâu có đo lường phẩm chất hạnh phúc của một con người. Ăn một bát cơm đạm bạc trong chánh niệm, xung quanh có gia đình, có thiền thân thì hạnh phúc lớn. Vấn đề là biết đủ và chấp nhận những gì ta đang có thì tự nhiên thấy giàu có. Nhưng cũng phải hiểu vì sao người ta giàu và vì sao người ta nghèo? Ở đây tôi chỉ muốn nói đến người giàu chân chính, làm bằng nghề nghiệp lành để sinh sống.
Họ phải làm việc cật lực, suy nghĩ, tính toán, lên kế hoạch, quản lí đủ thứ để kiếm tiền thì mới giàu được. Không ai tự nhiên mà giàu hay làm biếng mà giàu. Chính việc siêng năng, kiên nhẫn, tìm tòi, học hỏi, nghiên cứu, khám phá và nhiều điều kiện khác mà họ kiếm tiền nhiều và giàu. Không những thế họ đem cái giàu của mình chia sẻ với người khác. Họ cho xã hội cái giàu nên xã hội đem điều kiện giàu có lại cho họ. Đây là chuyện dễ hiểu. Với người nghèo có thể hiểu như thế. Người nghèo vì họ từng làm nghèo xã hội, từng không xây dựng xã hội và từng làm mất đi những gì xã hội mang tới cho họ. Nghèo có thể do lười biếng, không chịu làm việc, không chịu học hỏi, không chịu học cách làm giàu, hay đối với họ làm giàu khó quá. Đừng than thân trách phận vì sao người ta giàu mà mình nghèo. Hãy nhìn các quốc gia giàu có, họ làm việc 12, 14 thậm chí 16 tiếng một ngày. Mình chỉ làm có 8 tiếng thôi, mà còn đòi cắt giảm giờ làm nữa, vậy sao mình giàu được. Muốn giàu thì phải có phước mà phước đâu do ông địa, ông thần tài, ông táo, hay ông phong thủy mang tới. Nó đến từ sự hun đúc của tự thân, mà phước là gì, đơn giản chỉ là cái cho đi, mà mình có vô vàn thứ để cho đi, chỉ tại mình ôm khư khư nó thôi, nên mình không giàu có được.
Tuy nhiên giàu nghèo không quan trọng, quan trọng là đừng làm cho tình thương cạn kiệt. Thế giới loạn lạc mười phương vì tài nguyên tình thương bị cạn kiệt, nên muốn thế giới bình an thì hãy làm giàu tình thương. Thầy Mạnh Tử có dạy về thế nào là bậc đại trượng phu. Thầy dạy như sau, Phú quý bất năng dâm – Bần tiện bất năng di – Uy vũ bất năng khuất, tức là, Giàu sang mà không dâm – Nghèo hèn mà không đổi – Uy vũ không khuất phục được. Người giàu mà biết tu, người nghèo mà giữ đạo, những khó khăn mà không chùn bước thì có thể gọi là bậc đại trượng phu. Hạnh phúc không đo lường ở tiền bạc, tiền bạc rất mong manh, một trận hồng thủy hay động đất quét sạch tất cả và còn lại gì. Biết tu thì giàu không kiêu, giữ đạo thì nghèo không hổ và biết bươn chãi thì khó khăn có xá gì.
Ta có quyền làm giàu. Làm giàu chân chính thì rất tốt, mang lại nhiều của cái vật chất cho xã hội và xã hội có điều kiện để tu tập. Ngày nay muốn hoằng pháp mà không có tài chính cũng khó, nên chùa chiền đôi lúc cũng làm kinh doanh thêm. Kinh tế Phật giáo vì thế cũng hình thành, nhưng không chỉ nói đến nhà chùa làm kinh tế mà còn nói đến xây dựng một nền kinh tế theo tinh thần Phật giáo, theo đó nền kinh tế giữ được Năm giới Cư sĩ. Nền kinh tế mà đi ngược lại năm giới này thì của cải vật chất đầy dẫy cách mấy cũng rất mong manh. Kinh tế bền vững là kinh tế biết giữ giới, còn không thì nó kiệt quệ. Cạnh tranh theo kiểu triệt tiêu đối thủ thì đến lúc nào đó ta cũng bị đối thủ khác triệt tiêu. Đơn giản vì ta còn có khái niệm về đối thủ nên đối thủ ra đời để triệt tiêu ta. Nhân quả rất hay, nó giúp cho người nghèo trở nên giàu và giúp cho người giàu biết được vì đâu mà giàu. Bậc đại trượng phu không mệt mỏi vì nghèo hay quá tầm cầu cái giàu vì đối với người này, giàu nghèo không làm nên trượng phu vì họ đã vượt thắng được ham muốn giàu sang và sợ hãi nghèo nàn rồi.
Có một lần khi đức Thế Tôn ngụ tại thành Savatthi thì đức vua Pasenadi của xứ Kosala đến thăm viếng, đảnh lễ và ngồi sang một bên. Đức vua kể cho Phật nghe một câu chuyện như sau, Bạch Thế Tôn, tại Savatthi có một người giàu có vừa qua đời nhưng không có con thừa kế. Toàn bộ của cải phải xung vào ngân khố quốc gia gồm tám triệu đồng tiền vàng và không thể đếm hết được số tiền bạc. Tuy nhiên, lúc còn sống người giàu có này chỉ ăn một cái bánh làm bằng đậu khô với cháo. Quần áo chỉ vỏn vẹn một tấm vải dệt bằng chỉ gai quấn hơn nửa thân người. Phương tiện di chuyển là chiếc xe bò cũ kỹ và lợp bằng rơm. Đức Phật lúc này mới dạy rằng, Này đại vương, một người keo kiệt vơ vét gia sản kết xù, không dám tiêu xài chi cả để mang lại niềm hân hoan và thích thú cho riêng mình, cho ba mẹ, cho gia đình, cho người giúp việc, cho thợ thuyền và những người hầu cận, cho bạn bè và những cộng sự.
Ngoài ra hắn không dám dành một phần của cải cúng dường người tu hành hay các vị tu sĩ để mang lại công đức nhằm đạt được hạnh phúc thánh thiện và tái sinh vào cõi nhân thiên. Gia sản kết xù như thế nếu không biết tiêu xài thích đáng sẽ bị vua chúa tịch thu, bị trộm cướp vơ vét, bị hỏa hoạn thiêu hủy, bị lũ lụt cuốn trôi và người thừa kế không biết trân quý chiếm đoạt. Này đại vương, nếu sử dụng gia sản không thích đáng thì sẽ bị mất đi như vậy. Và này đại vương, cũng như một hồ đầy nước mát, tinh khiết, ngọt lành và trong vắt, nhưng lại nằm ở nơi rất vắng vẻ, hoang vu, khó có thể tiếp cận, không ai có thể đến lấy nước mà uống, hoặc tắm mát, hoặc nấu thức ăn, hoặc dùng cho các sinh hoạt khác. Nếu nước đó không được sử dụng để mang lại hạnh phúc thì sẽ bị bốc hơi rồi thất thoát đi một cách hết sức vô ích.
Người giàu có thì đem chia sẻ cho nhiều người khác thì sẽ giàu thêm lên, nhưng trước hết là giàu có hạnh phúc. Việc đem gia sản chia sẻ cho nhiều người, nhất là người nghèo và bậc tu hành thì hạnh phúc không sao kể xiết. Người nghèo nhờ sự giúp đỡ mà qua cơn hoạn nạn và khó khăn, họ tiếp tục tự thân kiếm sống và vượt qua cái nghèo, giúp cho người khác con cá và cả cần câu nữa, tạo điều kiện cho họ có thể đứng vững, nuôi dưỡng trẻ em và phụng dưỡng ba mẹ thì đây là điều đáng quý. Chính điều đáng quý này đem lại hạnh phúc. Bên cạnh đó, cúng dường cho người tu hành và các vị tu sĩ để họ có thì giờ chuyên tâm tu học, nhằm chuyển hóa những khổ đau, mang lại bình an cho tự thân và chúng sinh, sau đó còn san sẻ kinh nghiệm tu tập cho nhiều người khác, giúp chúng sinh đến bờ giải thoát, đây gọi là cúng dường hạnh phúc.
Người giàu có bình an khi biết cách sử dụng đồng tiền hay gia sản thích đáng. Trưởng giả Cấp Cô Độc cúng dường tận cùng đến không còn lại gì và ông đón nhận được nhiều hạnh phúc, được phụng sự đức Phật, được nghe giáo pháp của Phật và được thực tập theo giáo pháp đó. Nếu giàu có mà rầu rĩ, lo giữ khư khư tài sản, tìm cách duy trì nó hay lập kế hoạch để gia tăng thêm và bao nhiêu phiền não tuôn ra thì khổ quá. Người mở doanh nghiệp, làm ăn mua bán, tạo công ăn việc làm cho nhiều người thì tốt chứ có sao đâu, nhưng chia sẻ trách nhiệm cộng đồng và xã hội thì cái giàu đó rất có ý nghĩa. Như một ngọn đuốc, trăm ngàn người đến mồi, lửa đó vẫn như cũ, nhưng ánh sáng được thắp lên khắp nơi, giàu có được nhân rộng. Hồ nước được dùng để chia sẻ nhiều người, giếng dầu được chia sẻ nhiều người, dòng sông cùng tắm mát thì ai cũng vui vẻ, không đối đầu, không thấy thiếu thốn. Muốn có phước thì giúp người thiếu phước, phước không hề mất đi mà ngày càng được gia tăng. Giàu có không đơn giản nằm ở tiền tài của cải, mà còn ở tấm lòng, ở đức độ, ở bao dung và vị tha. Vì bao dung nên muốn mọi chúng sinh đều cùng hưởng phước, đây mới gọi là phước vô cùng tận.
Người giàu hay người nghèo đều đi qua gia đoạn sinh, lão, bệnh và tử. Người giàu bệnh thì đỡ hơn người nghèo vì đủ khả năng tài chính để chữa trị, tìm kiếm thầy thuốc và có người chăm sóc. Người nghèo bệnh như mắc phải cái eo, khó khăn sẽ chồng chất thêm. Người giàu lo cho thân khổ vì bệnh trong khi người nghèo không chỉ khổ về thân mà còn khổ về tâm, lo lắng về tài chính. Người giàu có phước sẽ mau chóng gặp phải phương thuốc thích hợp hay ông thầy giỏi trị mau chóng lành bệnh, còn không thì dù gia sản kếch xù nhưng bệnh trầm kha hay bệnh nan y cũng không qua khỏi. Người nghèo không đủ khả năng thuốc thang nhưng nếu đủ phước thì chỉ cần một thang vẫn có thể qua khỏi. Người giàu mà hay bệnh chắc không vui lắm và người nghèo có sức khỏe thì vẫn tốt hơn.
Có sức khỏe làm gì cũng được, còn không có sức khỏe, nhiều ý tưởng hay dự án cũng không thành hiện thực. Bây giờ bên cạnh thuốc đông y còn có thuốc tây y. Thuốc đông y được bào chế trước cả tây y và tùy theo thuận duyên của mỗi người mà sử dụng thuốc. Có người uống thuốc tây y không hết nhưng uống thuốc đông y lại hết. Có người uống từ thuốc này sang thuốc kia nhưng không hết, lại đi ăn uống dinh dưỡng, theo kiểu ăn gạo lứt muối mè chẳng hạn thì hết bệnh. Nếu ngày xưa có chữa trị bệnh bằng châm cứu thì ngày nay cũng có chữa bệnh bằng bấm huyệt.
Nhiều phương pháp chữa bệnh ra đời vì nhiều bệnh ra đời. Bệnh không tự nhiên mà có. Tất cả đều do cách ăn uống, cách sống, cách làm việc, cách suy nghĩ. Suy nghĩ thôi chưa làm gì cũng có thể gây bệnh. Suy nghĩ về tà dục thì tà dục lôi kéo. Tà dục là một thứ bệnh. Tà dục lôi kéo là bệnh lôi kéo, dứt không được thì nhiễm bệnh. Nhiễm bệnh nên phải tìm thuốc trị. Không có thuốc trị xem như sự sống trở nên mong manh. Bậc đại trượng phu dù giàu hay nghèo cũng giữ gìn sức khỏe và bố thí sức khỏe. Bố thí sức khỏe là giữ gìn sức khỏe, giải trí lành mạnh, sử dụng sức khỏe để làm việc phụng sự. Bố thí thuốc men cũng là bố thí sức khỏe.
Nhiều người không có khả năng mua thuốc lúc bệnh tật, ta giúp họ thuốc men, giúp chi phí chữa bệnh hay tài trợ các dự án nghiên cứu vaccine phòng chống bệnh và tìm ra phương thuốc chữa bệnh. Bệnh dù nặng hay nhẹ đều mang đến khổ đau, nhưng nhờ có bệnh mới thấy sức khỏe quý giá. Khi tìm ra thuốc chữa trị hay nhân loại có đủ phước báu tìm ra phương thuốc chữa trị thì bệnh được tiêu trừ, tai qua nạn khỏi. Nhân quả từ bệnh trở nên khỏe mạnh là hạnh phúc. Nhân quả không phải là điều sợ hãi, mà nó có tính giáo dục, nó nhắc mình muốn hạnh phúc thì hãy chế tác các điều kiện của hạnh phúc, giữ gìn thân tâm cho có hạnh phúc.
Bậc đại trượng phu không chỉ giữ cho thân khỏe mà còn giữ cho tâm khỏe. Chùa Thiếu Lâm tại Hà Nam, Trung Quốc là nơi ứng dụng thiền vào võ thuật, không chỉ ứng dụng cho việc thực tập thiền mà còn giúp bảo vệ sức khỏe. Một thân thể tráng kiện không thể có mặt nếu có một cái tâm bệ rạc. Gần đây, với sự phát triển của mạng xã hội, học sinh lên mạng chửi mắng ngay cả đấng sinh thành và thầy cô giáo của mình. Hành động này bị nhiều người lên án, nhưng hãy xem lại cách giáo dục, đấng sinh thành đã dạy con đúng đắn chưa và thầy cô dạy học sinh đúng đắn chưa.
Muốn con cái không có tâm bệnh thì bậc ba mẹ phải làm gương, tức là hành xử như thế nào để con cái không bắt chước theo. Ba mẹ giành quá nhiều thì giở phát triển sự nghiệp nhưng quên mất sự nghiệp cao cả là đặt đứa con hay tạo cho đứa con một môi trường lành mạnh để sinh sống và phát triển. Truyền thông giữa ba mẹ và con cái không được hạnh phúc nên đứa con tìm mạng xã hội để trút hết những gì bị dồn nén. Thầy cô giáo cũng vậy, muốn học sinh có đạo đức thì thầy cô phải hành xử có đạo đức trước đã.
Hơn nữa, việc giảng dạy tài năng quá nhiều mà quên đi đạo đức, nên học sinh không biết thế nào có đạo đức và việc học đạo đức trở thành điều gì đó rất lạ lẫm. Bậc đại trượng phu không sợ hãi đạo đức mà thực tập đạo đức hơn bao giờ hết. Trượng phu không là người theo kiểu anh hùng cứu mỹ nhân hay cố gắng chứng minh tài năng, mà là người cổ xúy cho đạo đức bằng lối sống có đạo đức của chính họ. Người giàu mà không có đạo đức thì của cải họ làm ra không bền. Phước đức luôn đi chung với nhau, gồm phước và đức. Có phước mà không có đức thì phước kia lụi tàn rất mau, làm ăn mau thịnh nhưng cũng mau tàn. Người nghèo mà có đức thì không sinh đạo tặc, không làm những chuyện trái với đạo đức, mà nhờ có đức nên phước dần tăng trưởng. Đức là nhân nền tảng để tạo phước và duy trì phước nên với mong mỏi làm cho phước lớn mạnh, ta không ngừng việc trao dồi đức hạnh. Đọc lại Kinh Phước Đức mà Phật chỉ dạy, ta sẽ thấy người chỉ dạy toàn là về việc hành xử đạo đức, cũng dễ hiểu, người có đức là người có phước.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét