Thiếu Khang đại sư họ Châu, người đời nhà Đường, ở vùng núi Tiên
Đô xứ Tấn Vân. Từ buổi sơ sanh, ngài im lặng không nói. Năm bảy tuổi nhân lễ
trai hội, ngài theo mẹ vào chùa lạy Phật. Bà chỉ tượng Phật hỏi đùa rằng:
"Con có biết đó là ai chăng?" Ngài bỗng ứng tiếng đáp: "Đức Bổn
Sư Thích Ca Mâu Ni Thế Tôn!". Biết con mình có duyên lành với Phật pháp,
cha mẹ ngài liền cho đi xuất gia.
Đi ngang qua Giang Lăng, ngài gặp một Sư cụ bảo: "Ông muốn
hoằng hóa, nên sang xứ Tân Định, cơ duyên ở nơi đó!" Nói xong bỗng biến
mất. Sau thời gian ấy, Đại sư, đến Tân Định, thấy người xứ này chưa biết niệm
Phật là gì. Dùng phương tiện, ban sơ ngài quyên tiền dẫn dụ trẻ con niệm Phật.
Nếu đứa nào niệm Phật được một câu; ngài liên thưởng cho một đồng tiền. Như thế
hơn một năm, rồi không cần thưởng tiền, chúng nó cũng niệm. Tập quán lần quen,
về sau lúc gặp đại sư ở trong nhà hay đi chơi ngoài đường, chúng cũng vẫn niệm.
Từ đó, nam nữ, già trẻ, hễ thấy ngài đều niệm: A Di Đà Phật! Nhân sự việc này,
dân chúng vùng ấy lần lượt phát tâm thờ cúng niệm Phật rất nhiều. Thấy cơ duyên
đã có phần thuần thục, Đại sư thành lập Tịnh độ đạo tràng ở Ô Long Sơn, xây đàn
tam cấp. Cứ đến ngày trai, thiện nam tín nữ đều họp nơi đó để niệm Phật nghe
pháp. Thường thường số người họp có trên ba ngàn. Mỗi khi thăng tòa, ngài chấp
tay to tiếng niệm Phật, thì đại chúng ở dưới đều xướng niệm hòa theo.
Có lúc Đại sư xưng một câu Phật hiệu, hội chúng thấy một đức Phật
từ miệng ngài bay ra. Niệm đến mười câu, trăm, ngàn câu đều có mười, trăm,
ngàn, ngàn vị Phật bay ra, liên tiếp như xâu chuỗi. Đại sư bảo: "Qúi vị đã
được thấy Phật, chắc chắn đều sẽ vãng sanh!" Mọi người nghe nói đều có cảm
niệm vui mừng an ủi. Năm Trịnh Ngươn thứ hai mươi mốt, vào tháng 10, Đại sư họp
hết hàng đạo tục đến dặn bảo rằng: "Các vị nên phát tâm chán lìa cõi ta bà
ác trược, ưa thích miền Tịnh độ an vui, mà cố gắng tu hành tinh tấn. Giờ phút
này ai thấy được quang minh của ta, kẻ ấy mới thật là hàng đệ tử". Nói
xong, ngài phóng vài tia sáng lạ đẹp dài, rồi ngồi yên lặng mà tịch. Đại chúng
xây tháp ngài ở Đài Nham, tôn hiệu là Đài Nham Pháp Sư.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét