1. Bảo Đàn Hoa Bồ tát: đây là vị Bồ tát chỉ thấy xuất hiện trong Kinh Dược Sư Lưu Ly
Quang Như Lai Bổn Nguyện Công Đức. Kinh Thất Phật dược Sư của Ngài Nghĩa Tịnh dịch
rằng: có 8 vị đại Bồ tát tên là Văn Thù Sư Lợi Bồ tát, Quán Thế Âm Bồ tát, Đắc
Đại Thế Chí Bồ tát, Vô Tận Ý Bồ tát, Bảo Đàn Hoa Bồ tát, Dược Vương Bồ tát, Dược
Thượng Bồ tát, Di Lặc Bồ tát. Kinh Dược Sư cua ngài Huyền Trang cũng dịch rằng:
Nếu nghe được danh hiệu của Đức Phật Dược Sư, khi lâm chung sẽ có 8 vi đại Bồ
tát dùng thần thông đến đưa đường chỉ lối.
2.
Di Lặc Bồ tát: tiếng Phạm là Maitreya, còn gọi là Mai
Hằng Lệ Dược, Vị Hằng Lý Dược, Di Đế Lễ, Di Đế Khang, hoặc là Mai Nhậm Lê, dịch
là Từ Thị, là vị Bồ tát sẽ thành Phật trong tương lai sau Đức Phật Thích Ca,
nên còn gọi là Nhứt Sanh bổ xứ Bồ tát, Bổ Xứ Tát Đỏa hoặc Di Lặc Như Lai.
Kinh
Hiền Ngu chép rằng: Di Lặc Bồ tát thuộc dòng dõi Bà la môn, cha là Tu Phạm Ma,
mẹ là Phạm Ma Đề Bạt, người nam Thiên Trúc. Vì mẹ của Bồ tát Di Lặc sau khi
mang thai Ngài thì tính tình trở nên từ hòa bi mẫn, cho nên khi sanh Ngài đặt
tên là Từ Thị.
Theo
Kinh Di lặc Thượng Sanh và Di Lặc Hạ Sanh thuyết rằng: Di Lặc Bồ tát là đệ tử
của Đức Phật thích Ca, nhập diệt trước Đức Phật, Ngài sanh lên cung trời Đâu
Suất ở đó thuyết pháp cho chư Thiên. Trong Kinh Nhứt Thiết Trí Quang Minh Tiên
Nhân Từ Tâm Nhơn Duyên Bất Thực Nhục chép: Di Lặc Bồ tát phát tâm không ăn
thịt, vì nhơn duyên này mà có tên là Từ Thị. Từ Thị Bồ tát còn có nghĩa là Từ
đứng đầu trong Tứ Vô Lượng Tâm của Phật, Từ là chủng tánh sinh ra chư Phật,
khiến cho tất cả thế gian không đoạn mất hạt giống Phật nên gọi là Từ Thị.
Như
vậy tên Di Lặc Bồ tát được kiến lập trên căn bản bổn nguyện từ bi do nhiều đời
nhiều kiếp Ngài tu tập Từ Bi Tam Muội, cũng chính là Đức hạnh từ bi cứu độ đem
đến sự an lạc cho chúng sanh của Bồ tát. Ngài được Đức Phật thọ ký trong tương
lai khoảng năm mươi bảy ức sau ngàn vạn năm sẽ thành Phật hiệu là Di Lặc Phật,
Di lặc Như Lai. Hình tượng Di Lặc Bồ tát mà chúng ta thấy là hình tượng của Bố
Đại Hòa Thượng, vì khi thị tich Ngài có nói bài kệ: Di Lặc chơn Di Lặc, hóa
thân thiên bá ức, thời thời thị thời nhơn, thời nhơn tự bất thức. Căn cứ vào
bài kệ đó thế gian cho rằng Bố Đại Hòa Thượng là hóa thân của Phật Di
Lặc.
3. Dược Thượng Bồ Tát: Theo Kinh Quán Dược Vương Dược Thượng Nhị Bồ tát chép rằng: trong
vô lượng vô biên a tăng kỳ kiếp đời quá khứ, có Đức Phật hiệu là Lưu Ly Quang
Chiếu Như Lai, nước của Đức Phật đó tên là Huyền Thắng Phan, có vị Tỳ Kheo tên
Nhựt Tạng, thông minh đa trí, vì đại chúng rộng nói pháp Đại Thừa Vô Thượng
Bình Đẳng Đại Trí của Như Lai. Khi ấy có vị trưởng giả tên Điện Quang Minh,
nghe pháp Đại Thừa này tâm sanh hoan hỷ, đem lương dược đề hồ cúng dường cho Tỳ
Kheo Nhựt Tạng cùng chúng Tăng, phát đại bồ đề tâm nguyện tu hành thành Phật.
Lúc ấy đại chúng tán thán trưởng giả Điện Quang Minh là Dược Thượng. Bồ tát nhiều
đời tu hành phạm hạnh, các hạnh nguyện đã viên mãn, trong đời vị lai Dược Thượng
Bồ tát sẽ thành Phật hiệu là Tịnh Tạng Như lai.
4.
Dược Vương Bồ tát: tiếng Phạm gọi là Bhaisajya-raya, dịch âm
là Bệ Thệ Xá La Nhạ. Kinh Pháp Hoa thuyết rằng: Bồ tát đốt thân mình cúng dường
chư Phật để cầu pháp, là vị đại sĩ ban cho chúng sanh lương dược để trị bịnh
khổ của thân và tâm.
Căn cứ
theo Kinh Quán Dược Vương Dược Thượng Nhị Bồ tát thuyết rằng: trong quá khứ vô
lượng vô biên a tăng kỳ kiếp, có Đức Phật hiệu là Lưu Ly Quang Chiếu Như Lai,
nước của Đức Phật đó tên là Huyền Thắng Phan, có vị Tỳ Kheo tên Nhựt Tạng,
thông minh đa trí, vì đại chúng rộng nói pháp Đại Thừa Vô Thượng Bình Đẳng Đại
Trí của Như Lai, lúc ấy trong chúng có vị trưởng giả tên là Tinh Tú Quang nghe
pháp Đại Thừa Bình Đẳng Đại Trí, tâm rất hoan hỷ, đem thuốc quý ở núi tuyết
cúng dường cho Tỳ Kheo Nhựt Tạng cùng chúng Tăng, phát tâm bồ đề thệ nguyện
diệt trừ 3 loại bịnh khổ của chúng sanh. Lúc bấy giờ đại chúng tán thán vị
trưởng giả là Dược Vương. Bồ tát nhiều đời tu hành phạm hạnh, các hạnh nguyện
đã viên mãn, trong đời vị lai Dược Vương Bồ tát sẽ thành Phật hiệu là Tịnh Nhãn
Như lai.
5.
Quán Thế Âm Bồ tát: tiếng Phạm gọi là avalokite’svara, dịch âm
là A Bạc Chỉ Để Thấp Phạt La. Bổn nguyện của Quán Thế Âm Bồ tát là lấy Từ Bi để
cứu giúp chúng sanh. Còn gọi là Quang Thế Âm Bồ tát, Quán Thế Âm Bồ tát, Quán
Tự Tại Bồ tát, Hiện Âm Thanh Bồ tát… gọi tắt là Quán Âm Bồ tát, hay còn có tên
gọi khác là Cứu Thế Bồ tát, Cứu Thế Tịnh Thánh, Thí Vô Úy, Đại Bi Thánh Giả,
Liên Hoa Thủ Bồ tát, Viên Thông Đại Sĩ… Quán Thế Âm Bồ tát đã sớm thành Phật
trong quá khứ hiệu là Chánh Pháp Minh Như Lai.
Quán
Thế Âm Bồ tát cùng Đại Thế Chí Bồ tát là 2 vị bồ tát đứng hầu Đức Phật Di Đà ở
thế giới Tây Phương Cực Lạc, thế gian thường gọi là Tây Phương Tam Thánh. Quán
Thế Âm Bồ tát cũng là 1 trong Bát Đại Bồ tát xuất hiện trong kinh Dược Sư, nếu
ai nghe được danh hiệu của Đức Phật Dược Sư, khi lâm chung sẽ được các vị Bồ
tát tiếp dẫn về cõi Tịnh Độ của Đức Phật A Di Đà. Hễ có chúng sanh nào gặp các
khổ nạn, nếu nhớ niệm danh hiệu của Bồ tát, thì Bồ tát liền nghe tiếng mà đến
cứu giúp được giải thoát, cho nên gọi là Quán Thế Âm Bồ tát. Qua đó có thể thấy
được pháp môn và từ bi nguyện lực của Ngài rất quảng đại hoằng thâm. Vì Ngài
đối với các cảnh giới đã thông đạt lý sự viên dung nên còn gọi là Quán Tự Tại
Bồ tát.
Phẩm
Phổ Môn trong kinh Pháp Hoa thuyết rằng: Bồ tát vì lợi ích chúng sanh trong cõi
Ta Bà thế giới, nếu chúng sanh thọ khổ mà nhứt tâm xưng danh hiệu Ngài thì lập
tức Quán Thế Âm Bồ tát theo tiếng kêu mà đến cứu thoát, nếu có mong cầu việc gì
thì cũng được như vậy. Để nhiếp hóa chúng sanh, Ngài còn có thể thị hiện thân
Phật, Tỳ Kheo, Ưu bà tắc, Dạ xoa…cho đến 33 thân. Hình tượng nổi tiếng phổ biến
nhất của Quán Thế Âm Bồ tát là hiện thân người nữ, tay cầm tịnh bình dương liễu
dùng cam lộ rưới nhuận xoa dịu khổ đau của chúng sanh.
6.
Vô Tận Ý Bồ tát: tiếng Phạm là Aksaya-mati, gọi là Vô Tận
Huệ Bồ tát, Vô Lượng Ý Bồ tát, theo Mật giáo là 1 trong 16 vị bồ tát trong Hiền
Kiếp. Vô Tận Ý Bồ tát đến từ chỗ Phật Phổ Hiền nước Bất Tuần ở phương đông.
Thuyết 80 pháp môn vô tận. Vì sao có tên là Vô Tận Ý? Vì Bồ tát quán sát tất cả
nhơn duyên quả báo muôn sự muôn vật là vô tận, tất cả các pháp cũng vô tận, do
đó Ngài phát Bồ đề tâm trên cầu công đức của chư Phật vô tận, dưới dùng phương
tiện độ chúng sanh vô tận. Cho nên có tên gọi là Vô Tận Ý.
Kinh
Pháp Hoa Phẩm Phổ Môn thuyết rằng: Bồ tát Vô Tận Ý tu hành Lục Độ ( Bố Thí, Trì
Giới, Nhẫn Nhục, Tinh Tấn, Thiền Định, Trí Tuệ) Tứ Nhiếp (Bố Thí, Ái Ngữ, Lợi
Hành, Đồng Sự).v.v…tất cả diệu hạnh, thệ độ tất cả chúng sanh, khi nào chúng
sanh các cõi hết thì ý của Bồ tát mới tận, nếu chúng sanh chưa hết thì ý của Bồ
tát cũng vô tận, cho nên gọi là Vô Tận Ý.
7.
Văn Thù Sư Lợi Bồ tát: tiếng Phạm là Manjusri, dịch âm là Văn Thù
Thi Lợi, Mạn Thù Thất Lợi, Mãn Tổ Thất Lý, nghĩa là Diệu Thích, Diệu Cát Tường,
Diệu Lạc, Pháp Vương Tử…Là 1 trong Tứ Đại Bồ tát của Phật Giáo, có liên hệ mật
thiết với kinh điển Bát Nhã (trí tuệ). Vị Bồ tát này thành Phật đã lâu, nhiều
kiếp lâu xa trong quá khứ đã gieo trồng hạt giống Phật, đã thành Vô Thượng
Chánh Đẳng Giác ở thế giới Bình Đẳng phương Nam, hiệu là Long Chủng Thượng Như
Lai, có tuổi thọ bốn trăm bốn mươi vạn tuổi, Đức Phật đó nay gọi là Văn Thù Sư
Lợi Pháp Vương Tử.
Theo
hệ thống kinh điển Đại Thừa Phật Giáo như kinh Thủ Lăng Nghiêm Tam Muội, kinh
Duy Ma Cật, kinh Bảo Tích Tam Muội Văn Thù Sư Lợi Vấn Pháp Thân, kinh Pháp Hoa…
đều lấy Văn Thù Bồ tát làm thượng thủ, cho Văn Thù Bồ tát là mẹ sinh ra chư
Phật, Bồ tát (vì Phât Giáo lấy trí tuệ làm căn bản). Văn Thù Bồ tát và Phổ Hiền
Bồ tát là 2 vị Bồ tát đứng hầu Đức Phật Thích Ca, thế gian thường gọi là Hoa
Nghiêm Tam Thánh, biểu thị cho trí huệ của Phật. Ngài thường ngồi trên Sư tử
tượng trưng cho oai thế dũng mãnh của chư Phật, Bồ tát. Tiếng rống của sư tử
biểu thị sự vô úy, có công năng trấn tỉnh những chúng sanh trầm luân mê muội,
tay cầm kim cang bảo kiếm biểu thị đoạn trừ phiền não của chúng sanh.
8.
Đại Thế Chí Bồ tát: tiếng Phạm là Maha-sthama-prapta, nghĩa là
Đắc Đại Thế, Đại Thế Chí, Đại Tinh Tấn. Gọi tắt là Thế Chí Bồ tát. Thế Chí Bồ
tát cùng Quán Âm Bồ tát đứng hầu 2 bên Đức Phật Di Đà mà người đời thường gọi
là Tây Phương Tam Thánh. Quán Âm Bồ tát đại biểu cho Từ Bi, Đại Thế Chí Bồ tát
tượng trưng cho Trí Huệ. Kinh Vô Lượng Thọ thuyết rằng: Bồ tát dùng ánh sáng
trí huệ chiếu khắp tất cả, khiến chúng sanh xa lìa 3 đường ác, được sức mạnh Vô
Thượng, khi Bồ tát đến đâu thì 10 phương thế giới đều chấn động, nên gọi là Đại
Thế Chí.
Đại
Thế Chí Bồ tát cũng là 1 trong 8 vị Bồ tát được kể trong kinh Dược Sư, tiếp dẫn
chúng sanh về thế giới Tây Phương Cực Lạc. Đại Thế Chí Bồ tát dùng tâm niệm
Phật thành tựu chứng nhập pháp Vô Sanh Nhẫn nên Ngài có thể nhiếp thọ chúng
sanh thế giới ta bà tu tập niệm Phật, sanh về Tịnh Độ. Vô lượng kiếp về sau sẽ
thành Phật hiệu là Thiện Trụ Trân Bảo Sơn Vương Như Lai.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét