Nam Mô Quan Thế Âm Bồ Tát Nam Mô A Di Đà Phật Nam Mô Đại Thế Chí Bồ Tát

Thứ Ba, 10 tháng 2, 2015

3. Tôn giả PHÚ LÂU NA (Purna - Punna)


(Vị giảng sư tài giỏi nhất)
1.- NGƯỜI ĐẦY ẮP TÌNH THƯƠNG:
Đối với đệ tử Phật, việc tu học để thoát li sinh tử cố nhiên là quan trọng, nhưng việc hoằng dương chân lí, thuyết pháp độ sinh cũng quan trọng không kém. Có một người đã cắt bỏ được sợi dây ràng buộc của gia đình để sống theo tăng đoàn của đức Phật và cống hiến trọn cuộc sống của mình cho công cuộc hoằng dương Phật pháp, luôn luôn đem nhiệt tình và lòng từ bi trải khắp chúng nhân, không bao giờ chán nản hay thất vọng trước những nghịch cảnh của thế gian, đó là tôn giả Phú Lâu Na.
Hoằng pháp là một công tác vô cùng khó khăn, vì nó đòi hỏi người thực hiện công tác phải có đầy đủ cả hai yếu tố quan thiết, là “khế lí” và “khế cơ”. Trong hàng ngàn đệ tử của đức Phật, Phú Lâu Na đã chứng tỏ, không những là có đầy đủ hai yếu tố quan thiết đó, mà còn có cả những đức tính đặc biệt khác nữa, cho nên đã được tôn xưng là người có tài thuyết pháp đứng vào bậc nhất! Khả năng đó đã được hàm chứa trong tên gọi của tôn giả.
Thật ra, tên của tôn giả rất dài. “Phú Lâu Na” chỉ là tên gọi vắn tắt của “Phú Lâu Na Di Đa La Ni Tử” (Purnamaitrayaniputra - Punnamantaniputta). Cái danh hiệu dài dằng dặc ấy chính là tượng trưng cho tài thuyết pháp của tôn giả, kéo dài vô tận, như núi cao, như nước chảy; nó bộc lộ nhiệt tình vô biên, lòng từ vô cùng. Cho nên, nếu được dịch ra thì danh hiệu ấy của tôn giả có nghĩa là “người đầy ắp tình thương (Mãn Từ Tử).
2.- QUẢ VỊ SAU KHI XUẤT GIA:
Phú Lâu Na ở trong một gia đình đầy đủ hạnh phúc, tuy không phải là giàu sang bao trùm thiên hạ nhưng cũng thuộc vào hạng có tiếng tăm của xứ Ấn Độ thời bấy giờ. Tôn giả rất được cha mẹ yêu quí, cưng chiều, nhưng vì sớm ý thức được rằng, tài sản vật chất cũng như tình thương yêu gia đình, đến một ngày nào đó cũng sẽ mất mát, cách chia, và quan yếu nhất cho đời người là phải tìm cho được một thứ tài sản cao quí, vĩnh cửu - đó là chân lí. Cho nên tôn giả đã quyết chí cắt bỏ sợi dây trói buộc thế gian, qui y theo Phật, phát nguyện đem đời mình phụng sự cho công cuộc phát huy chân lí. Với quyết tâm ấy, sau khi xuất gia không lâu, tôn giả đã chứng A La Hán - quả vị cao nhất của hàng Thanh Văn, dứt trừ hết mọi phiền não, thoát li sinh tử, có thể vận dụng thần thông để đi hành hoá khắp nơi một cách tự tại.
3.- ĐƯỢC PHẬT THỌ KÍ:
Một lần nọ, trong một buổi pháp thoại, đức Phật đã thuật rất nhiều chuyện về những nhân duyên của nhiều tiền kiếp xa xưa. Những câu chuyện này đã làm cho Phú Lâu Na vô cùng xúc động. Tôn giả liền đứng dậy, sửa áo lại cho ngay ngắn, đến trước Phật, đảnh lễ, rồi với tâm lòng đầy thành kính, tôn giả đứng yên lặng chiêm ngưỡng từ nhan của Phật ... Trong giây phút thiêng liêng ấy, tôn giả quả thực nhìn thấy rõ ràng công đức cao vòi vọi của đức Thế Tôn mà ngôn từ thế gian không thể nào diễn tả đầy đủ được! Tôn giả chỉ biết dùng hai tay đập vào ngực mình để mong đức Phật soi thấu được tâm nguyện của mình! Thật giống như “dùng tâm ấn tâm”, đức Phật quả nhiên đã thấu rõ tâm trạng thầm kín của Phú Lâu Na. Ngài khai thị:
- Phú Lâu Na! Thầy là người tu học tinh tấn, không khi nào giải đãi; lại luôn luôn tùy lúc, tùy nơi, đã từng giúp Như Lai hoằng dương chánh pháp. Ở trong bốn chúng đệ tử của Như Lai, thầy đã từng giáo hóa, khai thị, làm cho mọi người được nhiều lợi lạc. Biện tài thuyết pháp của thầy đứng vào bậc nhất! Trải qua vô lượng kiếp về sau, thầy sẽ thành Phật ngay tại thế giới này, và đức Phật ấy sẽ có danh hiệu là Pháp Minh Như Lai.
Lời thọ kí của đức Phật đã đem đến cho Phú Lâu Na niềm pháp hỉ vô biên và lòng cảm kích sâu xa không cùng. Tôn giả cung kính đảnh lễ Phật, đi nhiễu ba vòng, rồi trở về chỗ ngồi, trong khóe mắt còn long lanh những giọt lệ xúc động.
Nhưng sự kinh nghi của đại chúng đã không ngoài dự liệu của đức Phật, cho nên Ngài liền dạy:
- Này quí thầy! Quí thầy có hiểu được sự việc Như Lai mới vừa thọ kí cho thầy Phú Lâu Na không? Chỉ vì thầy thuyết pháp rất giỏi mà trong tương lai nhất định sẽ thành Phật ngay tại thế giới này, hiệu là Pháp Minh Như Lai. Quí thầy cũng nên khen ngợi Phú Lâu Na là người đứng đầu trong số những thầy có biện tài thuyết pháp trong tăng đoàn. Phú Lâu Na đã thâm nhập biển pháp mênh mông của Như Lai, có thể đem lại lợi ích cho tất cả chúng bạn cùng tu học; có thể nói rằng, trong pháp hội, trừ Như Lai ra, không ai có thể so sánh được với Phú Lâu Na về biện tài ngôn luận xảo diệu. Hơn nữa, quí thầy cũng nên biết rằng, Phú Lâu Na không phải chỉ giúp Như Lai tuyên dương chánh pháp, mà sự thật, trải qua chín mươi ức cõi Phật trong quá khứ, thầy cũng đã từng giúp các đức Phật tuyên dương chánh pháp, và cũng đều được khen ngợi là người thuyết pháp số một. Xin quí thầy hãy cùng nhìn về Phú Lâu Na và hãy tự làm cho mình tiến bộ như vậy.
Tôn giả Phú Lâu Na được đức Phật thọ kí đã là một sự kiện vinh diệu tột cùng, dù có đem mũ kết bằng ngọc anh lạc đội lên đầu cũng không thể bằng được; vì kể từ giờ phút đó,tôn giả đã chân vào địa vị tôn kính của một bậc “đạo sư” rồi vậy.
4.- NƯỚC PHẬT ĐỜI VỊ LAI:
Trong tương lai, tôn giả Phú Lâu Na sẽ thành Phật. Lúc đó, nếu có công năng và đầy đủ duyên lành, mọi người đều có thể phát nguyện vãng sinh về quốc độ của Ngài để tu tập. Hình trạng của quốc độ ấy như thế nào? Đức Phật dạy:
- Quốc độ của đức Pháp Minh Như Lai lúc ấy, địa thế bằng phẳng, không có núi khe lồi lõm, cũng không có gai góc sỏi đá; các thứ châu báu như vàng bạc châu ngọc trải đầy mặt đất; đền đài lầu gác đều cao đến mây xanh. Trong thế giới đó không có các cảnh giới khổ đau như địa ngục, ngạ quỉ, súc sinh; người sinh về đó đều là hóa sinh, phi hành tự tại, không có ý niệm vềdâm dục; không có ý niệm về ngã và những gì thuộc về ngã; tất cả mọi người đều có được các tiện nghi và nhu cầu một cách tự tại. Trong quốc đó cũng không có những ngăn cách hạn hẹp về chủng tộc của con người; không có sự phân biệt mạnh yếu; không có oán ghét, hận thù, lường gạt, cưỡng đoạt và xâm chiếm; không có tranh chấp hơn thua; không có chiến tranh. Tất cả mọi người đều sống với nhau trong tinh thần hòa hợp, tôn kính và ngợi khen. Bởi vậy, thế giới này lúc đó không còn có tên là “Ta Bà” mà là một thế giới trong sạch, thuần thiện, giống như thế giới Cực Lạc của đức Phật A Di Đà.
Những điều Phật dạy là hoàn toàn chân thật; bởi vì tôn giả Phú Lâu Na đã dùng chính cái công đức thuyết pháp của mình để trang nghiêm cho nước Phật ấy. Đó cũng chính là thành quả quí báu đạt được của một người đã trải qua vô số kiếp tận tụy cho công việc tuyên dương chánh pháp.
5.- LỜI KHUYÊN CHÂN THÀNH:
Phú Lâu Na hết sức nhiệt thành đối với công việc hoằng pháp là chính vì để giải thoát sinh tử và cứu độ chúng sinh, tuyệt đối không vì tham cầu danh lợi. Bởi vậy tôn giả rất lấy làm buồn lòng khi thấy có những vị đệ tử Phật, mình mặc áo pháp, nhưng cách sinh hoạt của họ hoàn toàn không vì Phật pháp, mà chỉ vì lợi lộc bản thân. Nguyên nhân là vì lúc bấy giờ uy tín của Phật và tăng đoàn đang tỏa rộng khắp nơi, cảm hóa được các các vị quốc vương đang trị vì các vương quốc trong bán đảo Ấn Độ. Sau khi qui y với đức Phật, nhiều ông vua đã hạ lệnh, phàm những người phạm tội đại hình, không thể tha thứ, nhưng nếu chịu qui y theo Phật gia nhập tăng đoàn sống đời xuất gia, thì tội dù có nặng đến đâu cũng được xá miễn. Tuy biết rằng sự việc ấy sẽ khiến cho tăng đoàn thanh tịnh của mình sẽ trở thành một nơi rồng rắn hỗn tạp, nhưng vì lòng từ bi vô biên, như biển cả chứa nước từ trăm sông, thấy tội nhân đau khổ không thể nhẫn tâm không cứu độ, cho nên đức Phật đã chấp nhận cho họ xuất gia. Từ đó, trong tăng đoàn mới trộn lẫn những phần tử kém đức hạnh, không có việc xấu gì mà không làm. Họ lợi dụng thánh đức của Phật  để mưu cầu danh lợi; thậm chí họ còn dám làm cái hành động tệ hại nhất là đem Phật mà buôn bán. Đối với hạng tì kheo này, tôn giả Phú Lâu Na vẫn thường hay dùng lời ngay thẳng để khuyên bảo:
- Thưa chư huynh đệ! Chúng ta không thể nào làm các hành động đi ngược lại với lời dạy của đức Thế Tôn. Chúng ta không thể khuyên mọi người bố thí trong khi chính chúng ta lại ham thích và cất giữ tiền bạc cho riêng mình. Không thể nào, trong khi bảo cho mọi người biết cái hại của năm dục đối với thân tâm họ thì chính chúng ta lại vui thú và tự trói buộc mình trong ao tù năm dục. Chúng ta rất may mắn có được đức Thế Tôn làm thầy, thì phải thấy rằng, đó là duyên lành ngàn đời khó gặp. Cho nên bất cứ việc làm nào của chúng ta cũng không được trái nghịch với giáo chế của đức Thế Tôn, không được để phạm vào các giới điều, qui củ của đức Thế Tôn. Điều tối kị là chúng ta không bao giờ làm cho mọi người mất lòng tin nơi Phật pháp. Sở dĩ chúng ta được xuất gia học đạo là vì đức Thế Tôn từ bi, muốn cho chúng ta có cơ hội để sám hối diệt tội. Vậy, nếu chúng ta không chịu nương theo giáo pháp để lấy lại ánh sáng, không yêu mến tăng đoàn, không nhiệt tâm với việc hoằng pháp lợi sinh, thì dù đức Thế Tôn có vì lòng từ bi mà thu nhận chúng ta trong lúc này, rồi thì trong tương lai chúng ta cũng đem lại cho chính mình được gì tốt đẹp. Đức Thế Tôn thường dạy, con người đừng sợ tội lỗi; có lỗi  mà biết sửa lỗi thì tức khắc trở thành người trong sạch. Dù là một người thật tầm thuờng trong tăng chúng, điều đó cũng không lấy gì làm quan hệ; nhưng nếu là một kẻ chỉ biết tự tư tự lợi, hành động không cần biết tới đại chúng, không đếm xỉa gì đến lời dạy của đức Thế Tôn thì nguy hiểm vô cùng. Vì đồng với chư huynh đệ cùng thờ một Thầy, cùng học một Thầy, mà tôi xin chân thành thưa những điều trên cùng chư huynh đệ. Dù chư huynh đệ có đánh  mắng tôi thì cũng không quan hệ gì, chỉ cần làm sao cho Phật pháp được hưng thịnh, cho chúng sinh được lợi lạc. Tôi mong mỏi từ nay chư huynh đệ sẽ phát tâm tu học chân thành, luôn luôn y theo giáo huấn của đức Thế Tôn mà thực hành.
Phật biết rõ Phú Lâu Na là người như vậy, cho nên cũng thường khen ngợi, trong tăng đoàn, tôn giả là người biết khuyên bảo và khai hóa.
6.- MUỐN CHO PHẬT PHÁP ĐƯỢC TRUYỀN BÁ KHẮP NHÂN GIAN:
Phú Lâu Na là người thâm trầm, thường ngày làm việc gì cũng rất cẩn trọng. Đối với người nào hay việc gì xảy ra trong tăng đoàn, tôn giả đều đắn đo, suy nghĩ chín chắn nhiều lần mới dám bày tỏ ý kiến. Chỉ riêng đối với công việc hoằng pháp thì rất mau mắn, nhiệt tình. Bất cứ có được cơ hội nào để gieo rắc hột giống bồ đề là nhất định tiến tới, không cần biết đến đắc thất hay lợi hại cho cá nhân mình.
Trong tăng đoàn, số người phụ giúp Phật công việc hoàng pháp độ sinh cũng nhiều, nhưng kể số người chịu khó lặn lội trong nhân quần xã hội để bố giáo mà không mong cầu lợi dưỡng, không sợ ma nạn, không sợ khó khăn khổ nhọc, thì ít ai sánh được với Phú Lâu Na. Có một số quí vị, tuy theo Phật học kinh luận đầy bụng, nhưng đối với chúng sinh thì không đủ từ tâm và nhiệt tình. Họ không quan tâm đến nỗi khổ sinh tử của người đời, mà cứ tự giam mình trong tháp ngà tự mãn. Lại có một số quí vị khác, đã không nhiệt tâm đối với sự nghiệp độ sinh mà lại còn để bị vướng xã hội bằng những giao tình trái đạo. Đối với cả hai hạng người này, tôn giả không bao giờ làm ngơ.
Một hôm trên đường hành hóa, khi đi ngang qua một khu rừng tịch mịch, tôn giả trông thấy một số vị tì kheo đang ẩn cư tu hành ở trong đó. Tôn giả đến trước họ, cung kính chắp tay:
- Thưa chư vị đại đức! Đã lâu tôi được biết chư vị ẩn cư trong chốn núi rừng, không để cho mình bị chìm nổi theo theo thế tục. Nhân cách của chư vị thật thanh cao, tôi rất lấy làm kính ngưỡng, nhưng tôi cũng được biết rằng, chư vị còn là những sứ giả, vâng theo từ mệnh của đức Phật để đi giáo hóa mọi nơi, tại sao chư vị không đến với nhân quần xã hội để cứu độ chúng sinh?
Các vị tì kheo ấy vừa thấy thì biết ngay đó là Phú Lâu Na. Họ rất vui mừng, liền mời ngồi, rồi đáp lại:
- Thưa đại đức! Chúng tôi cũng đã từng đi bố giáo các nơi, nhưng chúng sinh thật là khó hóa độ. Đức Thế Tôn bảo chúng ta đem pháp vị cam lộ ban phát cho người đời, nhưng họ lại cho đó là gì dơ bẩn không thể nếm được. Họ ngu si, ương ngạnh, cố chấp, và chỉ lo mê đắm trong biển dục vọng. Họ chỉ biết sát sinh để cúng tế quỉ thần cầu phước mà không biết rằng họ đang tạo ra những nghiệp nhân cho ác đạo. Chúng ta cố đưa cánh tay từ bi ra để cứu vớt, nhưng họ nhất định không chịu ngoảnh đầu ngó lại. Thưa đại đức, không phải ai ai cũng có thể nhất thời đi được trên con đường rộng lớn của chân lí. Hãy cứ để họ đi theo con đường của họ. Một khi họ đã gánh chịu các đầy đủ các quả báo đau khổ, và khi nào nhân duyên đã chín mùi thì tự nhiên là họ sẽ biết quay đầu trở về.
Nghe qua các lời ấy, tôn giả hiểu rằng quí vị tì kheo này cũng đã từng gặp rất nhiều trở lực, khó khăn trên bước đường hoằng hóa, khiến cho nhiệt tâm của họ đã trở nên nguội lạnh. Tuy nhiên, tôn giả vẫn cố gắng thuyết phục và cổ lệ họ:
- Thưa chư vị huynh đệ! Sự nhận thức của chư vị về con đường tu tập rất chính đáng, tôi rất cảm phục! Nhưng ý kiến của chư vị về việc hoằng pháp độ sinh thì tôi thấy không được đúng lắm. Nếu Phật pháp dễ hoằng dương và chúng sinh dễ hóa độ thì đâu cần có sự góp sức của chúng ta trong công tác ấy. Chính vì cuộc đời đầy dẫy những xấu xá dơ bẩn, và việc hoằng pháp độ sinh thì vô vàn khó khăn, vả lại, cũng để báo đáp ân đức sâu dầy của đức Thế Tôn, mà chúng ta phải nên dũng mãnh, tinh tấn để thực hiện công tác to lớn và quan trọng này. Là những đệ tử xuất gia của đức Thế Tôn, chúng ta phải lấy việc hoằng pháp làm việc nhà, lấy việc lợi sinh làm sự nghiệp, chứ không nên coi tăng đoàn là nơi lánh nạn hay viện dưỡng lão; lại cũng không nên quan niệm rằng, đã xuất gia làm tì kheo thi chỉ lo giải quyết những sinh hoạt của riêng mình, còn tất cả việc gì của người đời đều bỏ mặc, không cần phải để tâm tới. Nếu không hoằng dương Phật pháp, nếu không hóa độ chúng sinh, và cho rằng những công việc ấy không ích lợi gì cho mình, đó là đi ngược lại những giáo huấn của đức Thế Tôn. Với tâm nguyện từ bi, đức Thế Tôn sẽ không bằng lòng khi biết được chư vị có quan niệm như vậy. Một người rất nghèo khổ, đến nỗi chỉ dám xin một xu, một cắc để sống qua ngày, mà chư vị bỗng đem đem gia tài cả vạn đồng để cho, thì người ấy có nghi ngờ cái ý tốt của chư vị hay không? Cũng như vậy, sở dĩ người đời không tiếp nhận được Phật pháp là vì họ quá nghèo thiếu mà bỗng dưng chư vị đem cho họ một gia tài Phật pháp đồ sộ, thì làm sao họ có khả năng tiếp nhận! Thưa chư vị huynh đệ! Chúng ta đang ôm ấp một tình thương vô hạn, một nhiệt tình sung mãn, thì hãy đem niềm vui chánh pháp trải khắp nhân gian; hãy đem ánh sáng trí tuệ, tình thương và oai đức của đức Thế Tôn chia khắp cho người cùng hưởng thọ, khiến cho tự thân họ dần dần trở thành nơi tịnh độ trang nghiêm. Đó là trách nhiệm của kẻ xuất gia, không thể trốn tránh, không thể từ chối. Vậy giờ đây, Phật pháp ở nước Bạt Sa (Vatsa - Vamsa) vẫn chưa được hưng thịnh, xin chư huynh đệ hãy cùng với tôi đến đó để hoằng hóa.
Chân tình và nhiẹt tâm của tôn giả đã làm cho quí vị tì kheo ẩn cư kia vô cùng xúc động. Họ đã hoan hỉ và hăng hái cùng tôn giả lên đường về vương quốc Bạt Sa ...
7.- THÁI ĐỘ TRONG KHI HÀNH HÓA:
Với một chiếc bình bát, Phú Lâu Na đã vân du cùng khắp đó đây, vừa xin ăn vừa hành đạo, trải qua thiên sơn vạn thủy, chẳng khác nào cuộc sống của một thi nhân hay một họa sĩ. Khi thì ở vương quốc Ma Kiệt Đà (Magadha), lúc thì ở vương quốc Kiều tát La (Kosala); hôm nay thì ở thành Tì Xá Li (Vesali), ngày mai lại đến thành Ca Thi (Kasi),... Số người được tôn giả cảm hóa, dẫn dắt về với Phật pháp thật vô cùng đông đảo, không thể nào đếm hết được. Trong tăng đoàn thật khó có ai có thể so sánh được với tôn giả về phương diện này. Ngay cả đến những nguyên nhân dù có ương ngạnh, cố chấp đến đâu, mà hễ được tôn giả lân mẫn giáo hóa thì tâm ý cũng trở nên thuần thục và hân hoan tiếp nhận Phật pháp. Do những biệt tài mà tôn giả được thành công như vậy? Nhiều vị trong đại chúng rất muốn học hỏi, vì vậy, một hôm nhân lúc nhàn đàm, một vị đã hỏi tôn giả:
- Thưa sư huynh! Trên bước đường hành hóa của sư huynh, dù là nơi thảo nguyên thôn dã, mà khi sư huynh đã đặt chân tới thì nơi đó cũng trở thành thánh địa trang nghiêm; tất cả mọi người, hễ ai nghe được pháp âm của sư huynh thì đều có được sự tĩnh lặng, an lạc. Dự thành công này trong công cuộc hoằng pháp, ngoài đức Thế Tôn ra thì trong đại chúng khó ai có thể so sánh bằng sư huynh được. Vậy làm cách nào mà sư huynh có được cái oai đức như thế?
Một cách khiêm cung, tôn giả trả lời:
- Thật ra thì tôi không biết là tôi có được những oai đức gì, chỉ có một điều là lúc nào tôi cũng nghĩ nhớ đến đức Thế Tôn. Lúc nào cũng vậy, trước khi đi hành hóa tôi đều không quên âm thầm cầu xin đức Thế Tôn hộ trì, giúp cho tôi hoàn thành sự nghiệp hóa độ, làm cho mọi người đều được an lạc, giải thoát.  Tôi không cần người ta biết đến Phú Lâu Na  mà chỉ mong mỏi ai ai cũng biết đến bậc Đạo Sư toàn giác của chúng ta. Cho nên, những gì đã cảm hóa được người đời, đó chính là đức Phật của chúng ta cùng với giáo pháp giác ngộ của Người, chứ cá nhân tôi thì đâu có xứng đáng gì mà đề cập tới!
Tất cả vinh quang, Phú Lâu Na đều đem qui về cho đức Phật. Quí vị tì kheo hiện diện đều cúi đầu kính phục. Rồi họ nói tiếp với vẻ lo lắng:
- Chúng tôi thấy sư huynh sống quá kham khổ! Sư huynh đã làm việc không hề nghỉ ngơi, ngoài việc thuyết pháp độ sinh còn phải kinh hành, thiền tọa; vậy mà sư huynh không chịu dùng những thức ăn uống bổ dưỡng cho thân thể thì làm sao có đủ sức khỏe để hành đạo!
Tuy rất cảm động trước chân tình của các bạn đồng tu, Phú Lâu Na vẫn đáp lại một cách khẳng khái:
- Tôi xin cảm tạ sự quan tâm của chư vị huynh đệ. Chúng ta đang sống trong biển giáo pháp của đức Phật, một chút công hạnh như vậy đâu có đáng gì để gọi là tân khổ. Đức Thế Tôn của chúng ta đã từng trải qua bao kiếp tu hành, độ sinh, có khi một ngày chỉ ăn có một hột mè hoặc một hột lúa, có khi đem bố thí đầu, mắt, hoặc cả thân mạng, thì cái tân khổ ấy còn có thể hình dung được chăng! Cứ sau mỗi lần đi hành hoá, tôi lại trở về để được ngồi trước mặt Người, được nghe những lời dạy bảo của Người, và chính cái pháp vị cam lồ ấy là món bổ dưỡng tốt nhất, quí nhất cho huệ mạng của tôi. Ở những nơi tôi hành cưóc vân du, tất cả cỏ cây sông núi đều đón chào, mỉm cười và khích lệ tôi; ánh sáng trí tuệ của đức Thế Tôn lúc nào cũng bảo vệ thân thể tôi; tâm của Người luôn luôn sống động trong tâm tôi. Vì vậy mà không bao giờ tôi cảm thấy bị khổ cực. Thưa chư huynh đệ, cứ mỗi lần tôi trông thấy hành ngàn, hàng vạn người quay về trước đức Thế Tôn chắp tay đảnh lễ, là tôi vô cùng vui mừng, xúc động. Tôi cũng hướng về Người, chắp tay đảnh lễ để xin Người thu nhận họ, khơi dậy trong họ niềm tin chánh pháp, và gây cho họ sức mạnh vượt tiến trên đường tu học.
Lòng chân thành của tôn giả Phú Lâu Na lại càng làm cho những người bạn tu vô cùng kính phục. Họ đều chắp tay cúi đầu tán thán công đức của tôn giả.
8.- ĐÂU CŨNG LÀ NHÀ:
Trên đường hành hóa, tôn giả Phú Lâu Na đã chu du khắp chốn nhân gian, sống cuộc đời như cánh bèo trôi nổi, không bao giờ có nơi cư trú nhất định. Ban ngày thì hoặc ở trên đại lộ, hoặc nơi ngõ hẻm, hay chốn công viên, tùy duyên hóa độ; đêm đến thì hoặc ở sườn núi, hoặc trong rừng cây, hay bên bờ sông, tĩnh tọa một mình; bước chân vô định như nước chảy mây trôi, dừng lại ở đâu thì ở đó là nhà. Cũng có lúc, vì lợi ích của việc tu học, tôn giả cũng vận động xây cất giảng đường, tịnh xá, nhưng khi giảng đường, tịnh xá hoàn thành thì tôn giả mời chư tăng đến cư trú hành đạo, còn mình thì lại ra đi, tiếp tục con đường vô định.
Tôn giả không bao giờ cất giữ tiền bạc cho riêng mình. Ngoại trừ ba chiếc áo, một bình bát và một tọa cụ, tôn giả không còn mang theo mình một thứ gì khác. Tôn giả cũng không bao giờ bận tâm tính toán trong vấn đề áo cơm. Mang bình bát đi xin ăn, tôn giả không phân biệt các thí chủ giàu nghèo, tốt xấu; không khen chê thức ăn ngon dở, bổ dưỡng hay không bổ dưỡng, vì đối với tôn giả, chỉ có pháp vị cam lồ của Phật mớí là món bổ dưỡng hạng nhất trên đời.
Một hôm đang hành hóa tại thành Câu Li (Koliya), tôn giả tình cờ gặp lại một người bạn cũ trước ở cùng quê. Sau khi chào mừng thăm hỏi, người bạn nói:
- Thưa đại đức! Tôi nghe nói mỗi ngày đại đức đều bôn ba đó đây để hành hóa. Không biết đại đức bận rộn những gì dữ vậy! Từ ngày đại đức đi xuất gia đến nay, chưa từng lần nào đại đức trở về thăm quê cũ, bà con họ hàng ai cũng mong nhớ, Đại đức ra đi đã lâu năm, ruộng vườn, nhà cửa, gia sản đều không có, sao mà nghèo khổ đến thế này! Bao giờ thì đại đức trở về thăm nhà?
Phú Lâu Na trả lời:
- Thưa thí chủ! Được gặp lại thí chủ hôm nay, tôi thật vui mừng vô hạn. Tôi quả là rất bận rộn, vì luôn luôn phải lo làm sao cho mọi người đều xa lìa được đau khổ và đạt được an vui, hạnh phúc. Tôi bây giờ đã là đệ tử của Phật, tới đâu cũng là gia hương, với ai cũng là người thân thuộc. Tôi không còn phải tự trói buộc mình trong những ruộng vường và gia sản riêng tư; những thứ đó vốn dĩ là vô thường, huyễn hóa. Tôi rất vui được đi khắp đó đây để hoằng pháp. Tôi là sứ giả của chân lí, và đang đắp đường cho chúng sinh đi đến nơi giác ngộ. Tôi xin cám ơn thí chủ và xin nhờ thí chủ khi nào về quê thì nói hộ rằng, tôi xin cám ơn tất cả mọi người đã hằng mong nhớ đến tôi. Rồi tôi cũng phải trở về một lần để thăm nom và giúp ích họ. Vậy đến lúc nào có thể trở về thì Phú Lâu Na này sẽ tức khắc trở về.
- Thưa đại đức! Mới đó  mà cách xa nhau đã nhiều năm! Tôi không ngờ là sau khi theo Phật xuất gia, tinh thần của đại đức lại phấn chấn, tích cực đến thế! Đại đức luôn luôn chỉ vì mọi người mà không nghĩ gì đến bản thân mình. Tôi vô cùng kính phục. Sau này, lúc nào đại đức trở về thăm quê cũ thì nhất định chúng tôi sẽ nghênh đón long trọng, vì lúc đó đại đức sẽ đem ánh sáng Phật pháp về làm lợi ích cho dân làng chúng tôi.
- Một lần nữa xin cám ơn thí chủ. Nhất định tôi sẽ về đúng như nguyện vọng của thí chủ.
Giã biệt người bạn đồng hương, tôn giả lại tiếp tục lên đường hành hóa.
9.- PHƯƠNG PHÁP GIÁO HÓA:
Phú Lâu Na quả thật là một vị có biệt tài nói pháp không ai bằng. Bao nhiêu phương pháp giáo hóa mà đức Phật từng dùng để độ sinh như dùng phương tiện để nói pháp, tùy bệnh cho thuốc, xét rõ căn cơ để dạy bảo v.v... tôn giả đều sử dụng được đến độ tuyệt hảo. Tôn giả lúc nào cũng tự bảo, nói pháp là vì chúng sinh và cho chúng sinh, chứ không phải là vì mình và cho chính mình. Những đạo lí cao sâu huyền diệu thì chỉ dành cho một số ít người thượng căn thông tuệ; còn đối với đa số quần chúng thì tôn giả chỉ dùng những giáo pháp dễ học, dễ hành trì, để cho ai ai cũng có thể tiếp nhận và hành trì được. Có thể nói, dùng các giáo pháp khác nhau để giáo hóa cho mỗi hạng người khác nhau, là sở trường của tôn giả Phú Lâu Na.
Có lần, đứng trước một số thính chúng gồm toàn các vị y sĩ, tôn giả hỏi họ:
- Thưa quí vị! Quí vị có thể chữa trị những cơn đau nhức, bệnh tật cho người đời, nhưng đối với những chứng bệnh nan y về tâm lí như bệnh tham lam, bệnh giận dữ, bệnh ngu si v.v... thì quí vị có cách trị liệu nào không?
- Thưa đại đức! Những người thầy thuốc như  chúng tôi có thể chữa trị những chứng bệnh của cơ thể như nhức đầu, đau bụng v.v... còn những bệnh về tâm lí như tôn giả vừa nói thì chúng tôi không có cách gì trị được. Vậy đại đức có thể trị được không?
- Được! Giáo pháp của Phật như nước cam lồ, có thể rửa sạch mọi thứ dơ bẩn chứa trong lòng người. Ba phép học là giới, định, và tuệ cũng giống như “vạn linh đơn”, có thể chữa lành các tâm bệnh tham sân si của chúng sinh.
Có khi đối trước các vị quan lại, tôn giả hỏi:
- Với trách nhiệm và quyền hạn của một quan chức, quí vị có thể trị tội những người phạm tội, nhưng quí vị có biện pháp gì để làm cho người ta đừng phạm tội chăng?
- Thưa đại đức! Tuy rằng đã có quốc pháp, nhưng quốc pháp đó cũng không thể làm cho người ta đừng phạm tội.
- Thưa quí vị! Ngoài quốc pháp ra, quí vị và toàn thể nhân dân nên hành trì giáo pháp của Phật. Nếu ai ai cũng tin nhận và hành trì theo Năm điều răn cấm và Mười điều lành thì nhất định sẽ không có ai còn phạm tội.
Một hôm, nhân đi ngang qua một làng nọ, Phú Lâu Na dừng lại bên bờ ruộng để giáo hóa những nông phu đang làm ruộng. Tôn giả khai thị:
- Thưa quí vị! Quí vị cày ruộng, trồng lúa, tạo lương thực để nuôi dưỡng thân thể, đó là công việc vô cùng hữu ích cho mọi người. Nhưng hôm nay tôi xin mách thêm cho quí vị một phương pháp làm ruộng phước để nuôi dưỡng huệ mạng của quí vị. Quí vị có muốn biết không?
- Làm ruộng phước để nuôi dưỡng huệ mạng là cái gì, xin đại đức chỉ dạy cho! Chúng tôi đang muốn nghe.
- Quí vị hãy tin nhận giáo pháp của Phật, hãy phụng sự Tam Bảo. Đối với quí vị sa môn, hãy hết lòng cung kính. Đối với các người bệnh hoạn, nên tận tâm săn sóc. Đối với các việc công ích từ thiện, nên nhiệt tình ủng hộ. Đối với cha mẹ, phải giữ trọn niềm hiếu thuận. Đối với người trong làng xóm, nên nêu cao những điều tốt mà bỏ đi những điều xấu. Không nên giết hại các loài vật một cách bừa bãi. Đó là những cách thức làm ruộng phước tốt nhất để nuôi dưỡng huệ mạng của quí vị.
Nhờ những phương pháp giáo hóa khéo léo như vậy mà rất nhiều hạng người khác nhau trong xã hội đã có được cơ hội để qui y Tam Bảo, hành trì Phật pháp, mà các giới y sĩ, quan lại và nông dân vừa nêu trên là những ví dụ điển hình.
Tôn giả không có trú xứ cố định, cũng không có phương pháp giáo hóa nào nhất định.
Có lúc thì nói pháp ngay ở nơi lộ thiên công cộng; có lúc thì chỉ dạy riêng cho một gia đình. Khi thì dùng lời lẽ tốt đẹp để ca ngợi đức Phật; khi thì thi triển thần lực để khơi dậy lòng tin nơi người đời. Nhờ vậy, giáo pháp của đức Phật đã dễ dàng được người đời tiếp nhận, hành trì.
10.- NÓI PHÁP CHO VUA TẦN BÀ SA LA:
Tôn giả Phú Lâu Na cũng biết vận dụng thần thông trong việc hóa độ. Khi vua Tần Bà Sa La (Bimbisara) bị con là A Xà Thế (Ajatasatru - Ajatasattu) giam trong ngục tối, chính tôn giả đã cùng với tôn giả Mục Kiền Liên (Maudgalyayana - Moggallana), vâng giáo chỉ của Phật, từ không trung đi thẳng vào trong nhà ngục để nói pháp và truyền trao Tám điều răn cấmcho vua.
Tần Ba Sa La là vua của nước Ma Kiệt Đà (Magadha). Trong các vị vua chúa của các vương quốc thuộc lãnh thổ Ấn Độ thời bấy giờ, ông là người đầu tiên qui y làm đệ tử Phật. Về sau, chính con của ông, thái tử A Xà Thế, vì nghe lời xúi giục của đại đức Đề Bà Đạt Đa (Devadatta), đã bắt ông giam vào ngục thất, không cho ăn uống, mong cho ông chết sóm để lên ngôi kế vị.
Đối với đứa con ngỗ nghịch như vậy ông vẫn không oán giận, mà chỉ quán chiếu nhân duyên nghiệp quả để lấy đó làm niềm an ủi cho chính mình. Càng chịu đau khổ ông càng nhớ đến lời Phật dạy: Dù cho là trời, đất, mặt trời, mặt trăng, núi Tu Di, biển cả v. v..., không có gì là không thay đổi. Có thành thì có hoại. Có thịnh tất có suy. Có hợp phải có tan. Có sinh tức có tử. Có vui ắt có khổ. Có mừng là có lo. Ở thế gian không có cuộc vui nào là kéo dài vĩnh viễn, nhưng đau khổ thì triền miên bất tận ...
Dù đã quán tưởng như vậy, nhưng ông vẫn còn có điều bứt rứt không yên khi nghĩ đến kiếp lai sinh của mình. Giữa lúc đó thì hai vị tôn giả Phú Lâu Na và Mục Kiền Liên xuất hiện. Phú Lâu Na đến ngồi gần bên ông, nói giọng thật nhỏ chỉ vừa đủ cho nhà vua nghe:
- Thưa đại vương! Bần đạo vâng lãnh từ mệnh của đức Thế Tôn đến đây để hầu chuyện với đại vương. Đức Thế Tôn chỉ dạy, sắc thân này đã chiêu cảm nghiệp lực thì phải nhận chịu quả báo đau khổ. Tốt hơn hết là phải để cho nghiệp báo được kết thúc; vì điều tối quan trọng của người tu hành là tiêu trừ nghiệp báo để đạt được giải thoát. Nhưng đâu phải chỉ có người ở trong lao ngục mới là bị trói buộc, bị mất tự do! Sự thật thì những người không bị giam trong ngục vẫn bị trói buộc, bị mất tự do; mà những thứ đang cầm tù họ chính là tiền bạc, danh vị, sắc đẹp, tham lam, hận thù. Nói chung, cõi Ta Bà này chính là một nhà tù vĩ đại vậy. Bất luận là có bị giam cầm hay không thì người đời vẫn không tránh khỏi cái chết; vì trong cái sống nhất định đã có cái chết rồi! Vậy cái chết không phải là cái đáng sợ, mà điều đáng làm cho ta lo sợ là sau khi chết ta không có được một cảnh giới tốt đẹp để đi về. Cho nên đức Thế Tôn đã nhắn lời tâu với đại vương, xin đại vương hãy nhất tâm chuyên niệm danh hiệu của đức Phật A Di Đà (Amitabuddha); hãy thành khẩn phát nguyện vãng sinh về thế giới Cực Lạc (Sukhavati), nơi Phật A Di Đà đang giáo hóa. Đó là một quốc độ hoàn toàn an lạc và giải thoát.
Nghe mấy lời trên của Phú Lâu Na, vua Tần Bà Sa La cảm thấy rất được an ủi. Vâng lời Phật dạy, ông nhiếp niệm quán tưởng, rồi an tịnh vãng sinh ...
11.- TINH THẦN GIÁO HÓA:
Tôn giả Phú Lâu Na thuyết pháp độ sinh mà không cầu được cung kính, không tránh chỗ khó khăn để tìm nơi dễ dàng; trái lại, gặp những địa phương càng khó khăn hóa độ bao nhiêu thì tôn giả càng phấn chí nhiệt tâm bấy nhiêu, cố làm sao cho Phật pháp phải được truyền bá tại những nơi đó.
Một lần nọ, sau khi mùa an cư kết thúc, Phú Lâu Na lại muốn lên đường hoằng hóa. Tôn giả bạch Phật:
- Bạch Thế Tôn, xin cho con được đến nước Du Lô Na (Surapatanta) để hoằng pháp!
Dù rất hoan hỉ đối với lời thỉnh cầu này, nhưng vì biết việc giáo hóa ở Du Lô Na thật là vô cùng khó khăn và nguy hiểm, cho nên Phật bảo:
- Phú Lâu Na, Giáo hóa chúng sinh là việc làm lợi mình lợi người. Như Lai rất hoan hỉ để thầy hoàn thành chí nguyện. Có điều, thầy đi bất cứ nơi nào cũng được, nhưng nếu đi Du Lô Na thì Như Lai không yên lòng. Vậy hà tất thầy phải đi Du Lô Na! Thầy nên chọn một địa phương khác, Như Lai sẽ tiễn thầy lên đường.
- Vì sao vậy, bạch Thế Tôn! Không phải là bất cứ nơi nào có chúng sinh thì chúng con đều có thể đến sao?
- Phú Lâu Na! Thầy nên biết, Du Lô Na là một nước nhỏ ở xa xôi hẻo lánh, vì đường giao thông không tiện lợi nên văn hóa không được mở mang. Dân chúng ở đó hầu hết là lỗ mãng, hung dữ và quen tính bạo đông. Người ở các nơi khác, một khi đã đến nơi đó thì khó có ai hi vọng giữ toàn tính mạng trở về. Nay thầy đến đó Như Lai sợ sẽ xảy ra chuyện nguy hiểm chăng!
Nhưng tôn giả cương quyết thưa:
- Bạch Thế Tôn! Thạt con không thể dùng lời lẽ gì để diễn đạt được lòng cảm kích của con đối với tình thương yêu bảo bọc của Thế Tôn dành cho chúng con. Càng cảm kích ân đức của Thế Tôn mà con càng hân hoan được xả thân dể phụng sự chánh pháp và phụng sự chúng sinh. Hôm nay, chính vì Du Lô Na là một nơi chưa được khai hóa, mà từ trước đến nay chưa có vị nào phát tâm đến đó giáo hóa, cho nên con càng cảm thấy mình không thể nào không đi đến đó được. Con cũng biết, đi đến xứ này là điều rất nguy hiểm, nhưng vì chí nguyện tuyên dương chánh pháp mà con phải quên đi sự an nguy của bản thân. Vậy xin Thế Tôn từ bi hứa khả cho.
Đức Phật vô cùng hoan hỉ đối với tinh thần “vì pháp quên mình” của Phú Lâu Na, nhưng vì để cổ lệ thêm tinh thần cho đại chúng. Ngài tiếp tục hỏi tôn giả:
- Phú Lâu Na! Thầy nói đúng lắm! Phàm là đệ tử của Như Lai thì phải lấy sự hoằng hóa làm một trong những điều trọng yếu của công phu tu tập, nhưng nay thầy đi đến xứ Du Lô Na giáo hóa, nếu dân chúng ở đó không chịu tiếp nhận sự giáo hóa của thầy, mà còn mắng chửi thầy thì sao?
- Bạch Thế Tôn! Nếu họ chỉ mắng chửi con thì con nghĩ họ vẫn còn người tốt chứ chưa đển nổi dã man lắm đâu, vì họ chưa dùng đến gậy gộc để đánh con.
- Nhưng nếu họ dùng gạch đá ném thầy, hay dùng gậy gộc đánh thầy thì sao?
- Bạch Thế Tôn! Con nghĩ họ vẫn còn là người tốt vì họ chưa dùng đến dao kiếm để đâm cho con bị thương tích nặng.
- Nhưng nếu họ dùng dao kiếm để đâm thầy đến bị thương tích nặng thì sao?
- Bạch Thế Tôn! Nếu chỉ có thế thì con nghĩ họ vẫn là người tốt, vì dù sao thì họ vẫn còn chút ít nhân tính, chưa đến nỗi giết con chết một cách thảm khốc.
- Nhưng nếu họ giết chết thầy thì sao?
- Bạch Thế Tôn! Nếu điều này xảy ra thì con lại càng cám ơn họ, vì giết chết cái sắc thân này của con tức là họ giúp con vào cảnh giới niết bàn, cũng như giúp con dùng thân mạng này để báo đáp thâm ân của Thế Tôn. Sự việc này nếu xảy ra thì đối với con không phải điều chướng ngại, nhưng chỉ có một điều đáng tiếc là con chưa kịp làm gì để giúp ích cho họ mà thôi.
Đức Phật khen ngợi:
- Phú Lâu Na! Thầy quả thật xứng đáng là một vị đệ tử lớn của Như Lai, Bất cứ là tu tập hay hoằng hóa, thầy đều học được đức tính nhẫn nhục của Như Lai. Tâm và cảnh ở trong tự thân thầy lúc nào cũng tĩnh lặng. Bây giờ thì thầy đi được rồi, Như Lai và đại chúng đưa thầy lên đường.
Được đức Phật cổ lệ, tôn giả vô cùng cảm động, quyết tâm càng được tăng cường, tưởng như không thứ gì có thể làm cho lay chuyển. Tôn giả đảnh lễ đức Phật và lên đường đi Du Lô Na ...
12.- CÔNG VIỆC GIÁO HÓA Ở DU LÔ NA:
Sau khi lạy từ giã Phật và đại chúng, tôn giả Phú Lâu Na nhắm hướng Du Lô Na thẳng bước.
Tiều quốc Du Lô Na, đất đai khô cằn, dân cư nghèo khổ. Khắp nơi chỉ toàn là núi cao, sông rạch. Toàn quốc không có một đô thị phồn hoa nào, cũng không có lấy một thôn trang dân cư trù mật. Nếp sinh hoạt của người dân gần giống như thời tiền sử. Bởi vậy, khi mới đặt đến xứ này, với tình huống ấy, Phú Lâu Na cơ hồ như không có cách gì để thực hiện sứ mệnh.
Trước khi đến đây, tôn giả đã chuyẩn bị bọc phương ngôn thổ ngữ của dân Du Lô Na, nhưng trong công việc truyền giáo, ngoài ngôn ngữ ra còn đòi hỏi phải có nhiều điều kiện khác nữa. Giữa tôn giả và dân địa phương, tuy vấn đề ngôn ngữ không trở ngại, nhưng chiếc bình bát và áo cà sa trên người của tôn giả, đối với họ quả là những thứ gì thật quái dị. Tôn giả biết rằng đối với một nơi mà nền văn hóa còn quá lạc hậu như vậy, nếu không khéo léo thì không dễ gì khơi dậy trong dân chúng lòng tín ngưỡng đối với Phật pháp. Nói cho họ nghe những giáo lí cao sâu mầu nhiệm chỉ là vô ích. Vậy cách tốt nhất và cấp thiết nhất hiện tại là giúp họ cải thiện nếp sinh hoạt hàng ngày; bởi vì công việc giáo hóa luôn luôn không thể thực hiện tách rời nếp sinh hoạt của quần chúng. Cho nên, tạm thời tôn giả không bộc lộ cái thân phận sa môn của mình, mà chỉ đóng vai một vị y sĩ, suốt ngày chỉ cặm cụi với công việc thăm bịnh và chăm sóc bịnh nhân.
Phú Lâu Na có thể chữa trị được mọi chứng bịnh thông thường, và khi chữa bịnh, tôn giả cũng nhiệt thành như khi hoằng pháp. Bất luận là làng xa xóm gần, bất luận là sáng sớm hay đêm khuya, hễ biết nơi nào có người bị bịnh thì dù có phải trèo non lội suối, tôn giả cũng nhất định phải tới nơi để cứu chữa. Bởi vậy, bịnh nhân một khi trông thấy tôn giả là vui mừng như thấy được cứu tinh; và nhờ đó mà bịnh dù nặng cũng được chóng khỏi.
Ngoài vai trò của một thầy thuốc, tôn giả còn đảm trách cả công việc của một thầy giáo. Tôn giả dạy họ học chữ nghĩa và học những lí lẽ của cuộc sống. Ban ngày tôn giả dạy họ cách thức cày cấy gieo trồng, phương pháp sắp xếp công việc nhà cửa, cùng cách xử sữ giữa mọi người trong gia đình; buổi tối, tôn giả tụ tập họ lại để chỉ bày về việc giữ gìn năm điều răn cấm và thực hiện mười điều lành. Bằng phương pháp đó, chẳng bao lâu, tôn giả đã khiến cho rất nhiều người ở Du Lô Na qui y Tam Bảo. Chính tại tiểu quốc này, tôn giả đã thu nhận năm trăm đệ tử giỏi và đã kiến tạo năm mươi ngôi chùa.
(Có sách nói rằng, có hai vị tôn giả cùng có tên là Phú Lâu Na; Một vị là Phú Lâu Na Mãn Từ Tử - Punna Mantaniputta, quê ở gần thành Ca Tì La Vệ, được Phật khen ngợi là có biệt tài thuyết pháp bậc nhất. Một vị là Phú Lâu Na Du Lô Na - Punna Sunasarata, một thương gia ở Du Lô Na - một hòn đảo ở ngoài biển Đông của Ấn Độ, đến Xá Vệ nghe Phật thuyết pháp rồi xin xuất gia. Sau khi chứng quả A La Hán, tôn giả đã trở về quê hương Du Lô Na hóa độ - Chú thích của người dịch).
13.- NHỮNG ĐỨC TÍNH CỦA VỊ GIẢNG SƯ:
Đức Phật từng có huấn thị về mười đức tính của một vị giảng sư. Đối với mười đức tính này, tôn giả Phú Lâu Na lúc nào cũng thuộc nằm lòng và lấy đó làm kim chỉ nam để thực hiện trong suốt suộc đời hoằng pháp lợi sinh. Mười đức tính ấy là:
1) Hiểu rõ ý nghĩa của giáo pháp.
2) Có thể diễn nói cho người khác hiểu được.
3) Ở trước hạng thính chúng nào cũng không sợ sệt.
4) Nói năng hoạt bát, lưu loát, ứng đối không bị trở ngại.
5) Biết dùng phương tiện tùy theo căn cơ người nghe.
6) Trình bày theo thứ tự hợp lí để cho ai cũng có thể hành trì dễ dàng.
7) Tác phong nghiêm túc.
8) Cần mẫn và nhiệt thành.
9) Không thối chí nản lòng.
10) Nhẫn nhục nhưng đầy uy lực.
Tuy tha phương giáo hóa nhưng tâm niệm Phú Lâu Na không bao giờ rời xa Phật. Mỗi lần đức Phật có duyên sự đặc biệt hoặc có cuộc pháp thoại quan trọng, tôn giả dù ở xa ngàn dặm cũng cố gắng trở về tu viện để thăm hỏi Phật và tô bồi tri kiến. Lần này, sau khi hoằng hóa ở Du Lô Na, tôn giả cũng đã trở về tu viện đảnh lễ Phật. Đức Phật vừa thấy tôn giả bước ra từ chỗ ngồi của đại chúng thì lòng tràn đầy hoan hỉ, liền mở lời khen ngợi:
- Phú Lâu Na đã về đấy ư! Như Lai và cả đại chúng đều mong nhớ thầy. Việc hóa độ của thầy ở Du Lô Na có được tốt đẹp không? Thầy đã giúp Như Lai rất nhiều trong việc tuyên dương chánh pháp. Cả về phương diện thể xác lẫn tinh thần, thầy đều biết bảo toàn hoàn hảo để cho thân thể luôn luôn khỏe mạnh và lòng tin tưởng nơi Tam Bảo không hề bị lay chuyển. Lòng từ bi, đức điềm đạm và tài trí nơi thầy, phẩm hạnh, phong cách cùng thanh âm của thầy, có thể nói không điều gì là không toàn vẹn. Phú Lâu Na! Thầy đã làm cho Như Lai hoàn toàn yên tâm về công việc giáo hóa tại tiểu quốc Du Lô Na.
Ngưng một chút, Phật dạy tiếp:
- Này quí thầy! Trong giáo đoàn của Như Lai thì Phú Lâu Na xứng đáng được gọi là vị giảng sư số một. Quí thầy cũng nên cố gắng giống như Phú Lâu Na vậy.
14.- KHÔNG ĐỒNG Ý VỚI TÔN GIẢ ĐẠI CA DIẾP:
Thời gian trôi vô tình như dòng nước chảy. Năm tháng đến đi vô thường như bánh xe quay. Hoa mùa Xuân, trăng mùa Thu, nóng mùa Hạ, lạnh mùa Đông; một ngày trôi qua rồi một ngày lại đến; năm cũ đi rồi năm mới liền theo; cái ứng thân của Phật nơi thế giới Ta Bà này cũng theo năm tháng đổi thay ấy mà ngày càng già đi. Cho đến một ngày kia, khi ở tuổi 80, đức Phật đã nhập niết bàn tại thành Câu Thi Na (Kusinagara - Kusinara). Tất cả đệ tử đều vô cùng bi ai. Tôn giả Phú Lâu Na lúc đó đang hành hóa tại phương xa, nghe tin, tức tốc dẫn đệ tử về thành Câu Thi Na để thọ tang, nhưng khi tôn giả về đến nơi thì lễ trà tì kim thân của Phật đã hoàn tất từ lâu. Tôn giả đau xót vô cùng, nhưng rồi cũng tự an ủi rằng, báo thân Phật tuy không còn, nhưng pháp thân Phật vẫn tồn tại; giáo pháp chính là đức Phật.
Được biết tôn giả Đại Ca Diếp (Mahakasyapa - Mahakassapa) đang cùng với năm trăm vị tì kheo tôn túc khác nhóm họp tại núi Kì Xà Quật để kết tập những kinh luật Phật đã dạy, tôn giả liền đến đó xin tham dự. Đại chúng trông thấy Phú Lâu Na đều rất lấy làm hoan hỉ. Tôn giả Đại Ca Diếp nói:
- Thầy về thật đúng lúc. Đại chúng kết tập giáo pháp của đức Thế Tôn đã sắp xong, và tin rằng thầy cũng sẽ đồng ý với đại chúng.
Sau khi lắng nghe cẩn thận những kinh luật đã được đọc tụng, tôn giả phát biểu:
- Thưa đại chúng! Công việc kết tập giáo pháp của đức Thế Tôn do đại chúng chủ xướng, làm cho tôi hết sức kính phục. Hầu hết những điều đã được kết tập tôi rất đồng ý, chỉ riêng ở tạng Giới Luật, phần nói về “Tám điều liên quan đến cách ăn uống” (thức ăn để qua đêm, thức ăn nấu riêng trong phòng ngủ của mình, thức ăn do tự mình nấu lấu, thức ăn không do cúng dường mà do tự mình đi lấy, ăn buổi sáng sau khi thức dậy, theo người ta lấy thức ăn đem về, những thứ trái cây tạp nhạp, các thức ăn sản sinh ra từ trong nước ao tù - chú thích của người dịch), đại chúng cho rằng cả tám điều này đều bị cấm chỉ thì tôi không đồng ý, vì trái bổn ý của đức Thế Tôn. Nếu tám điều ấy bị cấm chỉ thì sẽ rất bất tiện cho tăng đoàn. Vả lại trước đây, gặp những lúc gạo thóc đắt đỏ, vật thực khó kiếm, hoặc xảy ra nạn đói thì đức Thế Tôn cũng đã từng cho phép áp dụng tám điều này.
Tôn giả Đại Ca Diếp nghiêm nghị trả lời:
- Thầy nói rất đúng. Đức Thế Tôn đã có lúc cho phép áp dụng tám điều đó, nhưng chỉ những khi gặp phải tình hình đặc biệt mà thôi.
Thế là cuộc tranh luận xảy ra và chẳng có biện pháp nào giải quyết. Sau cùng thì tôn giả Phú Lâu Na nhượng bộ:
- Thế thì tôi không có cách gì khác. Từ nay tôi chỉ tự minh hành xử theo những điều gì mà chính trước đây tôi đã nghe và lĩnh ngộ được từ nơi đức Thế Tôn, còn thì tùy quí sư huynh.
Nói xong, tôn giả cáo biệt chúng hội, tiếp tục lên đường hành hóa.
Về sau, tôn giả nhập diệt vào lúc nào, tại đâu, không ai biết được, và cũng không có cách gì để khảo chứng. Chúng ta chỉ biết được rằng, sau khi Phật nhập diệt, tôn giả vẫn giữ nhiệt tình hoằng hóa như khi Phật còn tại thế. Nội dung cuộc tranh luận với tôn giả Đại Ca Diếp vừa rồi đã cho chúng ta thấy, trong khi tôn giả Đại Diếp rất bảo thủ đối với giáo pháp thì tôn giả Phú Lâu Na lại có tư tưởng tự do, phóng khoáng hơn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét