Nam Mô Quan Thế Âm Bồ Tát Nam Mô A Di Đà Phật Nam Mô Đại Thế Chí Bồ Tát

Thứ Ba, 10 tháng 2, 2015

Ăn chay có ảnh hưởng hôn nhân người Phật tử?

Nếu quan niệm ăn chay như là một sự khổ hạnh ép xác, ăn uống quá đạm bạc sơ sài… và xem sự kiêng khem đó là một trong những chuẩn mực đạo đức cần có, thì không mấy tương hợp với tinh thần ăn chay theo Phật giáo.

Ăn chay nuôi dưỡng lòng từ bi
Một Phật tử phát nguyện ăn chay trường là điều lý tưởng. Những ai hội đủ duyên lành và những điều kiện cần thiết để thực hành trường trai mà không có bất cứ trở ngại nào thì nên phát huy và duy trì. Mục đích chính yếu của việc ăn chay nhằm nuôi dưỡng lòng từ bi, tôn trọng sự sống các chúng sanh khác, giảm thiểu bệnh tật và góp phần bảo vệ môi trường.
Ăn chay trường đối với hàng cư sĩ là một trong nhiều pháp tu, luôn được khuyến khích thực tập mà không hề bắt buộc. Vì thế, hầu hết các Phật tử đều ăn chay kỳ, thường thì mỗi tháng 2 hoặc 4 ngày, thỉnh thoảng mới phát tâm ăn chay nhiều ngày hơn (thập trai 10 ngày, nguyệt trai một tháng). Không nhiều các Phật tử có đủ đầy thuận duyên để thực hiện ăn chay trường.
Ăn chay là pháp phương tiện để hướng đến cứu cánh là từ bi, yêu thương và cứu độ cho hết thảy chúng sanh. Đó chính là tinh thần ăn chay theo Phật giáo mà người ăn chay phải hiểu rõ nhằm hướng đến để chứng đạt.
Cho nên, nếu quan niệm ăn chay như là một sự khổ hạnh ép xác, ăn uống quá đạm bạc sơ sài… và xem sự kiêng khem đó là một trong những chuẩn mực đạo đức cần có thì không mấy tương hợp với tinh thần ăn chay theo Phật giáo.
Về phương diện khác, ăn chay dù đúng cách đến mấy (đầy đủ dinh dưỡng) mà thiếu chú trọng đến chuyển hóa thân tâm để trở nên hiền lành và dễ thương hơn, từ-bi-hỉ-xả hơn, thì việc ăn chay ấy chỉ có giá trị dưỡng sinh mà thôi.
Trở lại vấn đề ăn chay và đời sống hôn nhân của người Phật tử, trước hết, nếu ăn chay đúng cách thì không ảnh hưởng gì đến sức khỏe. Khoa học dinh dưỡng hiện đại đã minh chứng điều này. Ngược lại, ăn chay đúng cách có thể làm giảm thiểu một số bệnh tật, nâng cao sức khỏe.
Ăn chay có “giảm ham muốn chuyện vợ chồng”?
Ăn chay đúng cách nhất phải được các chuyên gia ngành dinh dưỡng xây dựng thực đơn và tuân thủ theo chế độ ăn uống trong thực đơn.
Người Phật tử ăn chay đúng cách có sức khỏe tốt và tâm sinh lý bình thường nên không ảnh hưởng đến việc “giảm ham muốn chuyện vợ chồng”, và “có thể dẫn đến nguy cơ gia đình tan vỡ”… như nhận định của một số người.
ăn chay đúng cách có sức khỏe tốt và tâm sinh lý bình thường
Ăn chay đúng cách có sức khỏe tốt và tâm sinh lý bình thường
Đơn cử như những minh tinh Hollywood: Kristen Wiig, Natalie Portman, Anne Hathaway, Olivia Wilde, Kristen Bell, Carrie Underwood, Alicia Silverstone, Lauren Bush, Shania Twain... được bầu chọn là “Mỹ nữ ăn chay gợi cảm nhất thế giới”. Họ đều khỏe đẹp, trẻ trung và các sinh hoạt khác của đời sống đều bình thường.
Tuy nhiên, trong thực tế đời sống hiện nay, không phải ai cũng có đầy đủ điều kiện để thực hành ăn chay đúng cách. Vì thế, nếu ăn chay tùy tiện, kham khổ lâu ngày thì sự thiếu hụt dinh dưỡng và những hệ lụy liên quan đến sức khỏe tâm sinh lý có thể xảy ra. Đặc biệt là trong thời gian mang thai và cho con bú, nếu không được ăn uống đầy đủ thì sức khỏe của cả bà mẹ và em bé đều bị ảnh hưởng.
Nếu đã nguyện ăn chay trường nhưng hoàn cảnh sống thay đổi thì có thể phát nguyện lại, chuyển sang ăn chay kỳ; hoặc đang ăn chay kỳ, vẫn có thể phát nguyện ăn chay trường. Người Phật tử nên đối trước Tam bảo dâng lời khấn nguyện; và Đức Phật luôn từ bi hỉ xả chứng minh cho tâm nguyện của mình.
Nếu nguyện ăn chay trường một phần nhằm cảm hóa người bạn đời biết quy hướng Tam bảo và phát tâm tu học, cần linh động để không vì vấn đề ăn chay mà trở nên thiếu hòa hợp giữa đời sống vợ chồng. Nhất là, việc hướng người bạn đời vững tin Tam bảo đòi hỏi phải có nhiều yếu tố khác, như giúp họ hiểu biết sâu sắc lời Phật dạy và ứng dụng Phật pháp để chuyển hóa thân tâm.
Theo Giác Ngộ Online

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét