Trong Kinh Đại Thừa thì có nói về Tứ Thánh là:
1) Phật
2) Bồ Tát
3) Duyên Giác
4) A La Hán
Các bậc Bồ Tát trong Thập Địa, Duyên Giác, A La Hán đã có Trí Huệ Thần Thông nhưng không bằng Đức Phật. Thần Thông Trí Huệ của các Bồ Tát, Duyên Giác, A La Hán thì còn có hạn lượng còn Thần Thông Trí Huệ của Đức Phật thì không có hạn lượng.
Trong một thời trong một thế giới thì chỉ có một Đức Phật ra đời khi nào mà Chánh Pháp của Đức Phật đó diệt hết thì mới có một Đức Phật khác ra đời.
Nhưng trong một thời trong một thế giới thì có thể có nhiều Bồ Tát, Duyên Giác, A La Hán cùng ra đời.
Thí dụ như Đức Phật Thích Ca hiện ra ở cõi Ta Bà này thì khi nào mà Giáo Pháp của Đức Phật Thích Ca đã diệt hết thì lúc đó Đức Phật Di Lặc mới hiện ra đời.
Các vị Duyên Giác chỉ hiện ở đời khi mà không có Phật Pháp ở tại thế gian. Các vị Duyên Giác không thuyết Pháp độ sanh như Đức Phật.
Trong thời của Đức Phật thì có rất nhiều vị chứng quả Bồ Tát, A La Hán.
Phật
Là bậc giải thoát viên mãn khỏi hai thứ chướng ngại đó là Phiền Não Chướng và Sở Tri Chướng (còn gọi là Nhất Thiết Trí Chướng nói gọn là Trí Chướng).
Phiền Não Chướng: Là Tham, Sân, Si, Vô Minh Thô còn gọi là Nhất Niệm Vô Minh.
Sở Tri Chướng: Là sự chướng ngại chứng đắc Nhất Thiết Trí, sự chướng ngại này là Vô Minh Vi Tế còn gọi là Căn Bản Vô Minh hay là Vô Thủy Vô Minh.
Nhất Thiết Trí: Là Trí biết tất cả các Pháp Thế Gian và Pháp Xuất Thế Gian cùng tột quá khứ, hiện tại, vị lai không có ngăn ngại.
Phật thì có đủ các đức tính sau đây:
1) Ba Minh
2) Sáu Thông
3) Mười Trí Lực
4) Bốn Vô Sự Không Sợ
5) Mười Tám Pháp Chẳng Chung với Bồ Tát, Duyên Giác, A La Hán
Ba Minh:
1) Thiên Nhãn Minh
2) Túc Mạng Minh
3) Lậu Tận Minh
Sáu Thông:
1) Thiên Nhãn Thông
2) Túc Mạng Thông
3) Tha Tâm Thông
4) Thần Túc Thông
5) Thiên Nhĩ Thông
6) Lậu Tận Thông
Bốn Vô Sự Không Sợ:
Bốn điều này Phật đối giữa loại chúng các hàng Thiên Ma, Phạm Thiên, Sa Môn, Bà La Môn, nói một cách tự tại không sợ ai, không ai nói được nên gọi là “Không Sợ”.
1) Phật nói là hiểu biết tất cả pháp thế gian và xuất thế gian
2) Phật nói là hoặc nghiệp sanh tử đều biết hết và tự mình đã dứt sạch hết
3) Phật nói là các pháp ma ngoại là chướng thánh đạo
4) Phật nói những pháp có thể diệt hết các khổ.
Mười Tám Pháp Chẳng Chung với Bồ Tát, Duyên Giác, A La Hán
Mười Tám Pháp Chẳng Chung này chỉ có Phật chứng được mà chẳng chung đồng với hàng Bồ Tát, Duyên Giác, A La hán.
1) Thân không lỗi.
2) Miệng không lỗi.
3) Niệm không lỗi.
4) Không có tâm tưởng khác.
5) Không có tâm bất định.
6) Không có tâm không biết.
7) Sự muốn không giảm.
8) Tinh tấn không giảm.
9) Niệm không giảm.
10) Huệ không giảm.
11) Giải thoát không giảm.
12) Giải thoát tri kiến không giảm.
13) Tất cả thân nghiệp theo trí tuệ mà hành động.
14) Tất cả khẩu nghiệp theo trí tuệ mà hành động.
15) Tất cả ý nghiệp theo trí tuệ mà hành động.
16) Trí tuệ biết đời vị lai không ngại,
17) Trí tuệ biết đời quá khứ không ngại.
18) Trí tuệ biết đời hiện tại không ngại.
Bồ Tát là các bậc phát Bồ Đề Tâm tu tập 10 Ba La Mật hồi hướng Phật Quả nguyện làm lợi ích cho tất cả chúng sanh.
Tất cả chúng sanh nếu muốn tu hành thành Phật thì đều phải trải qua các bậc Bồ Tát là: Thập Tín, Thập Trụ, Thập Hạnh, Thập Hồi Hướng, Tứ Gia Hạnh Vị, Thập Địa, Đẳng Giác, Diệu Giác (Phật)
Đây là các bậc Bồ Tát từ thấp đến cao:
Thập Tín Bồ Tát
1-Tín Tâm
2-Niệm Tâm
3-Tinh Tấn Tâm
4-Huệ Tâm
5-Định Tâm
6-Bất Thối Tâm
7-Hộ Pháp Tâm
8-Hồi Hướng Tâm
9-Giới Tâm
10-Nguyện Tâm
Thập Trụ Bồ Tát
1-Phát Tâm Trụ
2-Trị Địa Trụ
3-Tu Hành Trụ
4-Sanh Quý Trụ
5-Phương Tiện Cụ Túc Trụ
6-Chánh Tâm Trụ
7-Bất Thối Trụ
8-Đồng Chân Trụ
9-Pháp Vương Tử Trụ
10-Quán Đảnh Trụ
Trong kinh Đại Bát Niết Bàn thì bậc Bồ Tát Quán Đảnh Trụ mới chứng nhập chút ít phần về Phật Tánh.
Thập Hạnh Bồ tát
1-Hoan Hỉ Hạnh
2-Nhiêu Ích Hạnh
3-Vô Sân Hận Hạnh
4-Vô Tận Hạnh
5-Ly Si Loạn Hạnh
6-Thiện Hiện Hạnh
7-Vô Trước Hạnh
8-Tôn Trọng Hạnh
9-Thiện Pháp Hạnh
10-Chân Thật Hạnh
Thập Hồi Hướng Bồ Tát
1-Cứu Hộ Nhất Thiết Chúng Sanh, Ly Chúng Sanh Tướng Hồi Hướng
2-Bất Hoại Hồi Hướng
3-Đẳng Nhất Thiết Phật Hồi Hướng
4-Chí Nhất Thiết Xứ Hồi Hướng
5-Vô Tận Công Đức Tạng Hồi Hướng
6-Nhập Nhất Thiết Bình Đẳng Thiện Căn Hồi Hướng
7-Đẳng Tùy Thuận Nhất Thiết Chúng Sanh Hồi Hướng
8-Chân Như Tướng Hồi Hướng
9- Vô Trước Vô Phược Giải Thoát Hồi Hướng
10-Nhập Pháp Giới Vô Lượng Hồi Hướng
Tứ Gia Hạnh Vị Bồ Tát
1-Noãn Địa
2-Đảnh Địa
3-Nhẫn Địa
4-Thế đệ Nhất Địa
Thập Địa Bồ Tát
1-Hoan Hỷ Địa – viên mãn Bố Thí Ba La Mật
2-Ly Cấu Địa – viên mãn Trì Giới Ba La Mật
3-Phát Quang Địa – viên mãn Tinh Tấn Ba La Mật
4-Diệm Huệ Địa – viên mãn Nhẫn Nhục Ba La Mật
5-Nan Thắng Địa – viên mãn Thiền Định Ba La Mật
6-Hiện Tiền Địa – viên mãn Bát Nhã Ba La Mật
7-Viễn Hành Địa – viên mãn Phương Tiện Ba La Mật
8-Bất Động Địa – viên mãn Nguyện Ba La Mật
9-Thiện Huệ Địa – viên mãn Lực Ba La Mật
10-Pháp Vân Địa – viên mãn Trí Ba La Mật
11-Đẳng Giác Địa (tức là Nhất Sanh Bổ Xứ Bồ Tát)
(còn gọi là Phổ Hiền Quang Minh Địa)
12-Diệu Giác Địa (tức là Phật)
(còn gọi là Tỳ Lô Giá Na Phổ Quang Minh Địa)
Bồ Tát từ bậc Hoan Hỷ Địa lên đến bậc Nan Thắng Địa về Phước Báo và Hạnh Nguyện độ sanh thì hơn bậc Duyên Giác và A La Hán nhưng về Trí Huệ thì chưa bằng.
Bậc Bồ Tát Hiện Tiền Địa đã hết Phiền Não Chướng và Trí Huệ thì đồng với bậc Duyên Giác và A La Hán nhưng Phước Báo và Hạnh Nguyện độ sanh thì hơn bậc Duyên Giác và A La Hán.
Bậc Bồ Tát từ Viễn Hành Địa trở lên thì đã hết Phiền Não Chướng mà chỉ còn Sở Tri Chướng. Bậc Bồ Tát từ Viễn Hành Địa trở lên về Phước Báo và Trí Huệ đều hơn bậc Duyên Giác và A La Hán.
Các bậc Bồ Tát trong Thập Địa thì đều dùng trí huệ phá từng phần của Sở Tri Chướng.
Duyên Giác
Có hai bậc Duyên Giác
1-Độc Giác
Là các vị trong kiếp có Đức Phật ra đời do nghe Đức Phật nói Pháp tu hành mà chứng được quả Tu đà Hoàn và còn có 7 lần sanh tử. Trong 7 lần sanh tử đó có khi sanh lên cõi trời mà cõi trời thì sống rất là lâu vì vậy nếu kiếp sau cùng khi sanh trở lại cõi người mà Phật Pháp đã bị diệt mất thì khi vị này chứng quả A La Hán thì không gọi là A La Hán mà gọi là Độc Giác. Độc Giác có nghĩa là tự chứng không có thầy, đây là nói lúc chứng đạo nhưng truy nguyên thì đã ngộ đạo từ nơi Đức Phật.
Bậc Độc Giác chỉ giải thoát khỏi Phiền Não Chướng chưa giải thoát khỏi Sở Tri Chướng.
2-Duyên Giác
Là các vị sanh trong kiếp không có Đức Phật ra đời mà tự mình quán lý 12 Nhân Duyên mà thành đạo.
Bậc Duyên Giác chỉ giải thoát khỏi Phiền Não Chướng chưa giải thoát khỏi Sở Tri Chướng
Trong kinh A Hàm, cũng như kinh Đại Thừa thì các vị Duyên Giác có Phước Báo nhiều hơn và Trí Huệ sâu hơn là các vị A La Hán bởi vì các vị Duyên Giác phải tu hành thì từ 40 đến 100 kiếp tích tập phước báo rồi mới thành đạo.
A La Hán
Là các vị sanh ra trong kiếp có Đức Phật ra được nghe Phật Pháp tu hành đắc quả.
Bậc A La Hán chỉ giải thoát khỏi Phiền Não Chướng chưa giải thoát khỏi Sở Tri Chướng.
Vô Sanh Nhẫn
Vô sanh nhẫn còn gọi là Vô sanh pháp nhẫn
Tâm đã an trụ nơi lý Vô sanh vô diệt, tâm yên tịnh không dao động trước mọi nghịch cảnh, các vị từ Sơ địa Bồ tát cho đến Phật, đều không còn sanh ác tâm nhưng Sơ địa mới chứng cái danh Vô sanh nhẫn, Bát địa chứng ngộ thể Vô sanh nhẫn.
Tỏ được cái Chân Như Thật Tướng, gọi là đắc pháp Vô sanh. Tỏ được cái chân trí vô lậu, gọi là nhẫn, vì khi đã đắc được cái trí ấy, tâm mới có thể nhẫn được tất cả hoàn cảnh mà được tự tại vô ngại, nên gọi là Vô sanh nhẫn.
Vô sanh tức là không sanh không diệt. Nhẫn có nghĩa là tin nhận giữ gìn; là nói dùng trí vô lậu (không thô) an trú trong thể chân lý bất sanh bất diệt, tâm không lay động. Trong “Ðại Trí Ðộ luận”, quyển 50 nói: “Ðối thật tướng vô sanh diệt của các pháp, tin nhận thông suốt, không ngăn ngại, không thối lui, gọi là Vô sanh nhẫn”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét