Nam Mô Quan Thế Âm Bồ Tát Nam Mô A Di Đà Phật Nam Mô Đại Thế Chí Bồ Tát

Thứ Bảy, 28 tháng 2, 2015

tam minh trong đêm thành đạo


1. Khái niệm:

Tam Minh, tức ba Trí Minh. Ở chư Phật gọi là Tam Đạt, còn ở A La Hán thì gọi là Tam Minh. Lại gọi là Trí Chứng Minh, gồm có:

* Túc Mạng Minh: còn gọi là Túc Mạng Trí Minh, tức là trí tuệ rõ biết tướng sanh tử của tự thân mình và tha thân trong đời trước.
* Thiên Nhãn Minh: còn gọi là Sanh Tử Trí Minh, tức là trí tuệ rõ biết tướng sanh tử của tự thân mình và thân của người khác.
* Lậu Tận Minh: còn gọi là Lậu Tận Trí Minh, tức trí tuệ rõ biết như thật, biết tướng khổ ở hiện tại, đoạn trừ mọi phiền não.

2. Tiến Trình Chứng Tam Minh:

Khi tư tưởng trở nên lắng dịu, tinh khiết, không còn tham ái và nhiễm ô, Ngài hướng tâm về tuệ giác có liên quan đến sự nhớ lại những kiếp trước, liền chứng Túc Mạng Minh _ tuệ hồi nhớ tiền kiếp. Đây chính là tuệ giác đầu tiên mà Bồ Tát Sĩ Đạt Ta chứng ngộ lúc canh một đêm thành Đạo.

Kế đến, Ngài hướng tâm đến sự tri giác hiện tượng diệt và sanh của chúng sanh. Với tuệ nhãn siêu phàm này, Ngài nhận thấy chúng sanh chết từ kiếp này, tái sanh vào kiếp khác, thấy được cảnh tượng kẻ sang người hèn, kẻ xấu, người đẹp… tất cả đều do Tam nghiệp của chính chúng sanh đó tạo ra chứ không phải sự ban ơn hay giáng họa của một đấng quyền năng nào khác. Đây chính là tuệ giác thứ hai mà Ngài chứng được trong đêm thành Đạo.

Và cuối cùng, Ngài hướng tâm đến tuệ hiểu biết sự chấm dứt các pháp trầm luân. Tùy theo trường hợp mà Ngài nhận định đâu là phiền não, đâu là chấm dứt phiền não, và đâu là con đường dẫn đến sự chấm dứt phiền não ấy. Nhận thức như thế, tâm Ngài giải thoát hoàn toàn ra khỏi Dục lậu, Hữu lậu và Vô Minh lậu.

Vâng, đây chính là tuệ giác thứ ba trong đêm thành Đạo của Ngài.

3. Luận Về Tam Minh:

a. Túc Mạng Minh:

Túc Mạng Minh còn gọi là Túc Trụ tùy niệm trí chứng minh, Minh là sự thấy biết, bừng sáng như ánh mặt trời. Với ánh sáng trí tuệ ấy, không có một bóng đêm vô minh nào mà không bị xua tan. Vậy, Ngài đã biết thấy gì trong những lần bừng sáng này?

Ngài đã “biết rõ mọi viêc trong quá khứ, từ một đời đến nhiều đời, số kiếp thành hoại, tất cả túc mạng của mình và cả chúng sanh, tên tuổi là gì, đời sống ra sao, vui khổ thế nào, sống bao lâu, ở đâu, sinh ra và chết ở cõi nào, sinh về cõi khác…, nói chung tất cả đều biết rõ ràng. Đó gọi là Túc Mạng Trí chứng minh".

Với Trí chứng này, Ngài biết rõ mọi chuyện quá khứ của mình. Điều này, có thể hiểu quá khứ ở đây được xem như một thực tại sinh động chứ không phải là sự tư duy trừu tượng. Ngài đã thấy như biết chính mình đang sống ở trong đó, có đau khổ, có vui sướng… Bồ Tát không chiêm nghiệm đời sống bằng thứ tư duy trừu tượng như một số người vẫn nghĩ, mà qua sự tự tu tự chứng của mình Ngài đã thấy biết từ sự bừng sáng của tâm thức, của sự Giác ngộ hoàn toàn của một vị Phật sẽ thành trong một vài canh kế tiếp.

b. Thiên Nhãn Minh:

Có khi gọi là Tử sanh trí chứng minh. Tức: “biết rõ như thật các chúng sanh khi sống chết, đẹp xấu, cao thấp, sanh vào ác thú, tùy nghiệp thọ sanh… các chúng sanh đều là do nghiệp của thân mà thành tựu, do ác hạnh của ý thành tựu, do hủy báng thánh nhân, tà kiến mà thọ tà pháp, thân hoại mạng chung sanh trong địa ngục ác thú. Các hạnh thiện nơi thân, khẩu, ý của các chúng sanh ấy không hủy báng thánh nhân, thành tựu chánh kiến, thân hoại mạng chung sanh trong cõi lành trời người”.

Bồ Tát thấy rõ nguyên nhân cũng như kết quả của tất cả những hành vi tạo tác, dẫn đến thọ nghiệp trong vị lai Túc mạng minh thì biết về quá khứ. Sở đắc của hai Minh này luôn có sự tương đồng, chỉ có thắng dụng là khác. Có điều là cả hai Minh này đều không phải là Trung đạo Đệ nhất nghĩa đế. Vậy Đệ nhất nghĩa đế của Trung đạo là gì?

Đó chính là Lậu Tận Minh: Đây mới chính là quả vị mà Sĩ Đạt Ta cần phải có, dù thịt nát xương tan. Thế nhưng phải đợi đến lúc sao Mai ló dạng mới có được!

c. Lậu Tận Minh:

Cũng chính là Lậu tận trí minh, lậu tận trí. Nghĩa là: “biết rõ như thật khổ, khổ tập, khổ diệt và con đường diệt khổ. Biết rõ như thật tri kiến, Dục vô lậu tâm giải thoát, Hữu hữu lậu tâm giải thoát, Vô minh lậu tâm giải thoát, giải thoát tri kiến, sự sanh đã tận, phạm hạnh đã lập, những việc cần làm đã làm, tự tri không còn thọ thân sau nữa. Đó là Lậu tận trí minh”.

Trong lúc cảnh vật đang chìm đắm trong giấc mộng, bóng đêm như đang làm chủ mọi sự vận hành của không gian và thời gian, bỗng nhiên sao Mai lại xuất hiện. Sự xuất hiện của sao Mai trong đêm nay có oai lực huyền bí hơn. Ánh sáng hảo huyền ấy lại có sức mạnh vô song, phá tung bóng đêm và đặc biệt là màng vô minh tồn tại từ vô thỉ vô chung cũng dần tan biến, âm thầm lui gót mà không lời từ giã. Những giọt sương long lanh lần lượt trở mình, kêu gọi những chiếc lá nơi rừng già Uruvella trổi dậy để chứng kiến một sự kiện trọng đại mà xưa nay chưa từng có. Thời gian tưởng chừng như không còn hoạt động, không gian trở nên yên tĩnh… tất cả đều hướng về cội Tất Bát La, theo dõi sự chuyển biến trong nội tâm của Sĩ Đạt Ta.

Chỉ trong khoảnh khắc, đuốc tuệ trong Ngài bừng chiếu, ánh sáng ngập tràn thiên địa, hoành biến thập phương chiếu sáng cả tam thiên đại thiên thế giới. Trong giây phút đáng nhớ ấy, Đức Thế Tôn vẫy chào vĩnh biệt đôi bờ tử sinh cùng với nụ cười tuyệt vời của “Trang Giác Ngộ”.

4. Kết luận:

Như vậy, tiến trình chứng Tam Minh của Bồ Tát Sĩ Đạt Ta được thống nhất như sau: canh một, chứng Túc Mạng Minh, thấy rõ tướng trạng sanh tử, có thể sanh tâm yểm ly sâu sắc. Canh hai, chứng Thiên Nhãn Minh và canh ba, chứng Lậu Tận Minh, hai lần này điều có sự yểm ly trong ngoài. Thế nhưng đến canh ba thì sự yểm ly có lẫn lộn với niềm hân hoan nhập Niết Bàn. Nếu không có sự xuất hiện thỉnh cầu của chư Thiên, rất có thể đến hôm ấy Đức Thế Tôn đã vào Niết Bàn. Thử hỏi điều đó xảy ra, liệu Tam Minh có còn ý nghĩa gì nữa chăng? Thể dụng thù thắng ấy, sử sách có kịp thời ghi lại không, nhân loại ngày nay có ai biết đến Đạo Phật là gì không, và điều muốn nói ở đây là lúc ấy thiên hạ sẽ hỏi gì về việc tu học thành bại của Thái Tử Sĩ Đạt Ta?

Đúng vậy! Nếu đêm hôm đó, Ngài vào Niết Bàn, điều đó quả là một mất mát lớn cho nhân loại nói riêng, cho chúng sanh nói chung. Và chưa chắc gì đến ngày nay, con người có thể tìm đâu ra một Tôn giáo có đầy đủ Từ bi và Trí tuệ như đạo Phật không tìm ra chân lý thoát khổ, rồi đây sự chìm đắm trong ngũ dục mà lâu nay con người bị cuốn trôi lại diễn ra êm ả như dòng chảy của thời gian, chúng sanh không tìm được nơi nương tựa – khổ cả rùa mù tìm bọng cây nơi Đại dương không bờ mé.

Thế nhưng có thể nói sự thỉnh cầu của Chư Thiên được xem như phần Duyên Khởi cho lộ trình hoằng hóa lợi sanh của Ngài sau này mà thôi. Ngài quyết định không vào Niết Bàn, cốt lõi vẫn là lòng từ bi rộng lớn, sự hy sinh cao cả… của Đấng cha lành.

Với đuốc tuệ rộng chiếu, ý chí dũng mãnh, Ngài không chỉ là tấm gương soi sáng cho riêng hàng Phật tử mà còn cho tất cả mọi người, bất luận là tôn giáo nào, giai cấp nào. Vì thế mà giáo pháp của Ngài, hình ảnh của Ngài bao giờ cũng ngời sáng dù có trải qua bao biến cố, thăng trầm của lịch sử nhân loại. Và mãi mãi vẫn là giáo pháp tuyệt vời trên mọi giáo pháp, hình ảnh tuyệt vời trên mọi hình ảnh. Trong những giây phút tĩnh tâm nào đó, chiêm nghiệm lại những lời di huấn sau đây, nhất định ta sẽ thấy rõ điều này:

“ Mọi vật ở đời không có gì quý giá. Thân thể rồi sẽ tan rã. Chỉ có Đạo ta là quý báo. Chỉ có chân lý của Đạo Ta là bất di bất dịch. Hãy tinh tấn lên để giải thoát”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét